Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! : - Tôi đang công tác tại phòng Tài chính kế hoạch huyện. Hiện nay huyện đang triển khai thực hiện dự án mua sắm tài sản để phục vụ hoạt động thường xuyên cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện bằng nguồn vốn chi thường xuyên. - Dự án gồm có 02 gói thầu: 01 gói thực hiện đấu thầu theo hình thức mua sắm tập trung (áp dụng đối với các loại thiết bị phải mua sắm tập trung theo quy định) và 01 gói thầu tổ chức đấu thầu thông thường (đối với các loại thiết bị không bắt buộc mua sắm tập trung). Thiết bị gồm có: thiết bị điện tử, thiết bị tin học; thiết bị công nghệ dành cho đài truyền thanh, thiết bị phục vụ cho phòng họp trực tuyến và một số thiết bị tủ, bàn, ghế để phục vụ cho nhu cầu làm việc cho các cơ quan đơn vị. - Nhằm đảm bảo việc mua sắm mang tính đồng bộ và đảm bảo chức năng của thiết bị đáp ứng được nhu cầu làm việc cho từng cơ quan, đơn vị đặc biệt là các thiết bị công nghệ dành cho Đài truyền thanh, thiết bị phục vụ cho phòng họp trực tuyến. - Để tránh trường hợp sau khi mua sắm thiết bị không đáp ứng được nhu cầu làm việc của các cơ quan, đơn vị và gây lảng phí ngân sách nhà nước. Vì vậy, huyện thực hiện thuê tư vấn lập dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 (Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan). Chi phí dự án, gồm có: - Thiết bị: + Mua sắm tập trung + Mua sắm không tập trung - Quản lý dự án - Chi phí tư vấn: + Tư vấn lập dự án + Tư vấn thẩm định giá + Tư vấn lập hồ sơ mời thầu và Đánh giá hồ sơ dự thâu - Chi phí khác: + Thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu + Thẩm tra quyết toán - Dự phòng (5%) - Việc lập dự toán đối với dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan. - Xin hỏi Bộ Tài chính việc lập dự án đối với mua sắm tài sản trong trường hợp này có đúng quy định không? - Kính mong quý Bộ sớm phúc đáp để Tôi làm cơ sở thực hiện. Xin cảm ơn!
15/11/2018
Trả lời:

1. Trường hợp thực hiện mua sắm của 02 gói thầu riêng biệt: 01 gói thực hiện đấu thầu theo hình thức mua sắm tập trung (áp dụng đối với các loại thiết bị phải mua sắm tập trung theo quy định) và 01 gói thầu tổ chức đấu thầu thông thường (đối với các loại thiết bị không bắt buộc mua sắm tập trung).

a) Đối với nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:

Thông tư số 58/2016/TT-BTC không quy định phải lập dự án khi thực hiện mua sắm. Đối vưới chi phí trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 58/2016/TT-BTC đã quy định rõ nội dung chi phí gồm:

- Chi thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức đấu thầu;

- Chi đăng tin mời thầu (nếu có);

- Chi thuê thẩm định (nếu có);

- Chi cho hoạt động của tổ chuyên gia;

- Chi cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu (nếu có);

b) Đối với việc thực hiện mua sắm tập trung:

Tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy địnhchi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định việc lập dự án mà quy định cách thức thực hiện mua sắm tập trung (được thực hiện theo một trong hai cách ký thỏa thuận khung hoặc ký hợp đồng trực tiếp, trong đó cách ký hợp đồng trực tiếp chỉ được thực hiện với một số trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 71 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP). Các khoản thu, chi liên quan đến mua sắm tập trung đã được quy định tại Điều 83  Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

2. Trường hợp đơn vị mong muốn thực hiện mua sắm thành 01 gói thầu đối với cả các loại thiết bị phải mua sắm tập trung và đối với các loại thiết bị không bắt buộc mua sắm tập trung để nhằm đảm bảo việc mua sắm mang tính đồng bộ và đảm bảo chức năng của thiết bị đáp ứng được nhu cầu làm việc cho từng cơ quan, đơn vị đặc biệt là các thiết bị công nghệ dành cho Đài truyền thanh, thiết bị phục vụ cho phòng họp trực tuyến… như nêu tại nội dung câu hỏi:

 Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định:

“Điều 3. Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan”

Hiện nay đơn vị chủ trì soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy việc hướng dẫn trường hợp nào mua sắm tài sản được lập thành dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

 Do vậy, việc có được gộp thành 01 dự án đối với trường hợp này hay không, đề nghị quý độc giả liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể.

Gửi phản hồi: