Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, hiện nay cơ quan tôi đang thực hiện thanh lý tài sản công các hạng mục nhà cấp 4 của trường mầm non xã để thực hiện dự án xây dựng mới Trường mầm non theo Quyết định phê duyệt dự án đã được UBND huyện phê duyệt, tuy nhiên theo danh mục tài sản thanh lý của trường cung cấp thì có khối nhà cấp 4 xây dựng năm 2002, sửa chữa năm 2013 với số tiền là 366,95 triệu đồng và sửa chữa năm 2020 với số tiền 133,98 triệu đồng, tổng nguyên giá tài sản xác định là 500,93 triệu đồng, giá trị còn lại 99,98 triệu đồng. Theo khoản 21 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 quy định " Trường hợp phải phá dỡ, huỷ bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có tài sản không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo quy định tại Điều này; cơ quan nhà nước có tài sản có trách nhiệm bàn giao tài sản phải phá dỡ, huỷ bỏ cho Ban Quản lý dự án/ Chủ đầu tư thực hiện dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan". Cho tôi hỏi theo quy định trên thì Ban Quản lý dự án huyện (chủ đầu tư dự án) sẽ là cơ quan tổ chức thực hiện thanh lý tài sản thay cho cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý (trường mầm non)?. Đối với trường hợp giá trị tài sản còn lại là 99,98 triệu như trên thì có phải báo cáo người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản chấp thuận cho thanh lý không và trình tự thực hiện như thế nào?
23/01/2025
Trả lời:

- Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính quy định:

            “Điều 9. Thay đổi nguyên giá tài sản cố định

          1. Nguyên giá tài sản cố định được thay đổi trong các trường hợp sau:

          a) Đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

          b) Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

          c) Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản cố định tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản cố định).

          d) Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định.

          đ) Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác (trừ trường hợp tài sản đã được khôi phục lại thông qua bảo hiểm tài sản công).

          e) Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư này theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 103 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

          - Tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Luật quản lý, sử dụng tài sản công (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 5 Luật số 56/2014/QH15 ngày 29/11/2024 của Quốc hội) có quy định:

          “Điều 45. Thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Tài sản công được thanh lý trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả;

c) Nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Tài sản công được thanh lý theo các hình thức sau đây:

a) Phá dỡ, hủy bỏ. Vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ còn sử dụng được thì điều chuyển, bán hoặc tiếp tục sử dụng nếu có nhu cầu;

b) Bán.”

          - Tại khoản 6 Điều 29 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại  khoản 21 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP) của Chính phủ quy định:

          “Điều 29. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công

          6. Trường hợp phải phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có tài sản không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo quy định tại Điều này; cơ quan nhà nước có tài sản có trách nhiệm bàn giao tài sản phải phá dỡ, hủy bỏ cho Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc bàn giao được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định này; căn cứ Biên bản bàn giao tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản thực hiện hạch toán giảm tài sản theo quy định. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư để xây dựng trụ sở làm việc thì Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định; trường hợp giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về đất đai.”

          Như vậy, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể về các trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định (trường hợp sửa chữa tài sản công không thuộc trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định) và các trường hợp, hình thức, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công. Theo đó, trường hợp phải phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có tài sản không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công; trường hợp thực hiện dự án đầu tư để xây dựng trụ sở làm việc thì Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

          Bộ Tài chính trả lời để độc giả Nguyễn Anh Khoa được biết./.

Gửi phản hồi: