Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính: Tôi có vấn đề về xử lý tài sản công tại đơn vị muốn hỏi như sau: Đơn vị Tôi Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao huyện là đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí, có Tài sản, đất được giao quản lý, sử dụng từ năm 2011 là Trụ sở làm việc, nhà văn hóa, nhà thi đấu, Nhà Bảo tàng công trình cấp IV, tổng Nguyên giá là 14 tỷ đồng. Công trình đã xuống cấp, hư hỏng nhiều đồng thời chưa tính hết hao mòn theo quy định đến năm 2024 được cấp có thẩm quyền cho Chủ trương đầu tư nâng cấp sửa chữa Trụ sở làm việc, Nhà Văn hóa, Nhà thi đấu, Nhà Bảo Tàng tổng giá trị nâng cấp sửa chữa là 12 tỷ đồng (cả chi phí tư vấn và xây lắp) từ nguồn vốn đầu tư công và được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện làm Chủ đầu tư (đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên). Sau khi hoàn thành việc đấu thầu, Trung tâm có bàn giao mặt bằng lại cho Chủ đầu tư (Ban QLDA) để triển khai thi công. Trong quá trình thi công đơn vị thi công có tháo dỡ (phần chi phí tháo dỡ đã được tính trong chi phí dự toán Công trình nâng cấp sửa chữa) và thu hồi vật liệu (cửa nhôm kính thường, tôn lợp mái) từ công trình cũ. Như vậy các vật tư, vật liệu (cửa nhôm kính thường, tôn lợp mái) thu hồi được từ việc tháo dỡ công trình cũ do đơn vị nào xử lý thanh lý (Trung tâm (đơn vị quản lý sử dụng, tài sản) hay Ban QLDA (chủ đầu tư))? Nếu theo Nghị định 114/NĐ-CP ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 là Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) xử lý thanh lý thì Trung tâm có bàn giao tài sản trên đất là nhà làm việc, nhà văn hóa, nhà thi đấu, nhà Bảo tàng cho Ban QLDA để Trung tâm ghi giảm tài sản không? Hay chỉ bàn giao ghi giảm tài sản là các giá trị vật tư, vật liệu thu hồi? Hay Trung tâm vẫn để tiếp tục theo dõi Nguyên giá, hao mòn của Tài sản cũ cho đến khi công trình nâng cấp, sửa chữa hoàn thành đưa vào sử dụng thì cộng thêm phần nguyên giá này vào Tài sản, còn việc Ban QLDA xử lý bán thanh lý vật tư hoặc hủy bỏ không liên quan đến việc ghi giảm tài sản của Trung tâm. Kính mong Bộ Tài chính sớm hướng dẫn để đơn vị thực hiện. Trân trọng cảm ơn!
25/12/2024
Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 29, Điều 51 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024) của Chính phủ: Trường hợp phải phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có tài sản không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo quy định tại Điều này; cơ quan nhà nước có tài sản có trách nhiệm bàn giao tài sản phải phá dỡ, hủy bỏ cho Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc bàn giao được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định này; căn cứ Biên bản bàn giao tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản thực hiện hạch toán giảm tài sản theo quy định. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư để xây dựng trụ sở làm việc thì Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định; trường hợp giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về việc thay đổi nguyên giá tài sản cố định và xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định; trong đó quy định:

+ Nguyên giá tài sản cố định được thay đổi trong trường hợp: (1) Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; (2) Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản cố định tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản cố định); (3) Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định;…

+ Đối với trường hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán cộng (+) phần giá trị tăng thêm do nâng cấp, mở rộng tài sản cố định. Trong đó, phần giá trị tăng thêm do nâng cấp, mở rộng tài sản cố định là giá trị quyết toán được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

+ Đối với trường hợp tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán trừ (-) phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ cộng (+) chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc tháo dỡ mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã chi ra tính đến thời điểm hoàn thành việc tháo dỡ.

Trong đó, phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định như sau: (1) Trường hợp có hồ sơ xác định giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ thì phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định theo giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định đó; (2) Trường hợp không có hồ sơ nhưng phân bổ được nguyên giá của tài sản cố định cho bộ phận tài sản cố định tháo dỡ theo tiêu chí phù hợp (như: Diện tích, số lượng, giá mua, dự toán...) thì phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định theo giá trị phân bổ; (3) Trường hợp không có hồ sơ và không phân bổ được nguyên giá của tài sản cố định cho bộ phận tài sản cố định tháo dỡ thì xác định phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ là giá mua mới của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ trên thị trường tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng.

Trường hợp không xác định được giá mua mới của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ trên thị trường tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ làm căn cứ xác định nguyên giá tài sản cố định sau khi tháo dỡ.

+ Đối với trường hợp lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán cộng (+) phần giá trị tăng do lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định cộng (+) chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc lắp đặt mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã chi ra tính đến thời điểm hoàn thành việc lắp đặt.

Trong đó, phần giá trị tăng do lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định là giá trị tương ứng của bộ phận tài sản cố định được lắp đặt thêm xác định theo các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.

Trên đây, Bộ Tài chính trả lời độc giả về chính sách pháp luật và đề nghị độc giả căn cứ quy định của pháp luật và thực tế quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị để thực hiện cho phù hợp.

Trên đây là ý kiến của Cục QLCS, đề nghị Cục Tin học và Thống kê tài chính trả lời bạn đọc theo quy định./.

Gửi phản hồi: