Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính. Công ty tôi hiện đang vướng mắc về thực hiện chính thuế mong đươc Quý Bộ hướng dẫn và giải đáp các nội dung vướng mắc như sau: - Vấn đề 1: Vướng mắc về tiền ký quỹ phục hồi , cải tạo môi trường. Căn cứ theo quyết định của bộ tài nguyên môi trường công ty chúng tôi phải nộp kinh phí cải tạo phục hồi môi trường cho hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền ký quỹ phải nộp là 10 tỷ được chia đều cho 10 năm. Hỏi,hàng năm công ty có được trích vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN khoản ký quỹ phải nộp hàng năm không? Trường hợp không được trích lập hàng năm thì khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản và có quyết định xử lý tiền ký quỹ để thực hiện cải tạo môi trường thì công ty có được ghi nhận toàn bộ vào chi phí của năm tài chính đó không? - Vấn đề 2: Công ty hoạt động về sản xuất sản phẩm từ tài nguyên khoáng sản và không có các ưu đãi về địa bàn, vùng bị dịch bệnh. Trong năm công ty có ngừng chủ động một số dây chuyền máy móc trong thời gian 3 tháng do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cầu thấp. Hỏi : +Trong 3 tháng ngừng sản xuất của dâu chuyền thì các chi phí trả trước phân bổ đều theo tháng và chi phí khấu hao theo đường thẳng theo tháng có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không? +Kết hợp thời gian dừng hoạt động công ty có các hoạt động kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng ( hoạt động sửa chữa thường xuyên) thì toàn bộ chi phí sửa chữa đó có được tập hợp và ghi nhận tại thời điểm dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại không? Trên đây là các vướng mắc của công ty. Rất mong được sự quan tâm , xem xét và giải đáp của Quý Bộ. Xin trân trọng cảm ơn!
21/12/2022
Trả lời:

- Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định:

“Điều 137. Ký quỹ bảo vệ môi trường

1. Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này.

...

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và mức ký quỹ, hình thức ký quỹ, nguyên tắc áp dụng lãi suất ký quỹ, hoàn trả ký quỹ bảo vệ môi trường.”

- Điều 37 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định:

“Điều 37. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản

1. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

...

7. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tiến độ tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nội dung cải tạo, phục hồi môi trường. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản kiểm tra việc hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong giai đoạn nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Nội dung hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường là một phần của nội dung quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản:

a) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, nơi nhận tiền ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân;

b) Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản;

c) Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ đối với tổ chức, cá nhân trả lại hoặc bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

...”

- Điều 82 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:

“Điều 82. Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí

1. Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa.

...”

- Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 và Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018) của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

...

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

...

2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

...

e) Một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:

...

- Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.

...

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, ...

...”

- Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định:

“Điều 7. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định:

...

2. Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.

Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty của độc giả Phan Sỹ Hoàng thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản ký quỹ phải nộp hàng năm.

Tại Phiếu hỏi số 301122-8, độc giả nêu: “Trường hợp không được trích lập hàng năm thì khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản và có quyết định xử lý tiền ký quỹ để thực hiện cải tạo môi trường thì công ty có được ghi nhận toàn bộ vào chi phí của năm tài chính đó không?”. Đối với nội dung này, độc giả không nêu rõ lý do vì sao không được trích lập hàng năm nên cơ quan thuế chưa có cơ sở để trả lời độc giả.

Trường hợp Công ty chủ động ngừng hoạt động một số dây chuyền máy móc trong thời gian 3 tháng do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn thì khoản phân bổ chi phí trả trước, chi khấu hao đối với các tài sản này trong thời gian tạm dừng hoạt động không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại điểm 2.2 và điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC và Thông tư số 25/2018/TT-BTC).

Trường hợp Công ty tiến hành các hoạt động kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng (hoạt động sửa chữa thường xuyên) đối với tài sản cố định thì chi phí sửa chữa tài sản cố định được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 45/2013/TT-BTC.

Cục Thuế tỉnh Nghệ An trả lời để độc giả Phan Sỹ Hoàng biết và thực hiện./.

Gửi phản hồi: