Trả lời phản ánh, kiến nghị của độc giả Dương
Thị Ánh Ngọc (từ Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính) về phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ
phí có ý kiến như sau:
- Khoản 4 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “4. Các khoản chi ngân sách chỉ
được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng
chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không
được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách
làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi
thường xuyên.”
- Tại khoản 4
Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí quy định:
“2. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định này để trang trải chi
phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt theo các nội dung sau đây:
a) Chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi
thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập):…
b) Chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước),
chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập):…
4. Số
tiền phí để lại cho tổ chức thu phí chi cho các nội dung tại khoản 2 Điều này:...đối
với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số
60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính
của đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Hằng năm, tổ chức thu phí (cơ quan nhà nước, đơn vị sự
nghiệp công lập) phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán
thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển
sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ
năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi,
tổ chức thu phí phải báo cáo Bộ quản lý chuyên ngành, để báo cáo Bộ Tài chính
(đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội); báo cáo Sở quản lý chuyên ngành (đối với các khoản phí
thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh)), để báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương để nộp ngân sách nhà nước hoặc trình cơ quan có thẩm
quyền sửa đổi tỷ lệ để lại cho phù hợp.”
- Tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính
phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: Nguồn
thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về
phí, lệ phí là nguồn tài chính của
đơn vị (đơn vị nhóm 3).
- Tại Điều 16 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định: “Căn cứ vào nhiệm
vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1,
khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu
phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp
công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:...”
- Tại Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định: “Kết thúc năm tài chính, sau khi
hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao
tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản
nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động
thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:…”
- Tại khoản 2 Điều
6 Thông tư số 243/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy
định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy giám
định y khoa quy định:“2. Trường hợp tổ chức thu phí là đơn
vị sự nghiệp công lập hoặc được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu
phí đối với các cơ quan nhà nước theo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính
phủ thì được trích lại 95% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các
nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ. Nộp 5% tiền phí thu được
vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước
hiện hành.”
- Tại Điều 10 Thông tư số
56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội
dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản,
tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Kết thúc
năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự
chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân
sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh
lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công
được sử dụng theo quy định tại…Điều 18 (áp
dụng đối với đơn vị nhóm 3)…Nghị định
số 60/2021/NĐ-CP…”
- Tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số
56/2022/TT-BTC quy định: “Quyết toán thu,
chi: Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện khóa sổ kế
toán, lập báo cáo quyết toán hàng năm đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp,
nguồn viện trợ, nguồn thu phí được để lại chi, các nguồn khác được để lại theo
quy định gửi cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp xét
duyệt, thẩm định theo quy định của pháp luật về kế toán và ngân sách nhà nước.”
Căn cứ các quy định nêu trên:
(i) Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí theo quy định để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch
vụ, thu phí phải trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
(ii) Việc xử lý số tiền phí được trích để lại
của đơn vị sự nghiệp công (đơn vị nhóm 3) và trích lập các quỹ đã được quy
định cụ thể tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số
56/2022/TT-BTC. Do đó, đề
nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí trả
lời để độc
giả Dương Thị Ánh Ngọc được biết./