Tại khoản 1, 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính
phủ quy định về thời điểm lập hóa đơn:
“1. Thời điểm lập hóa đơn đối với
bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà
nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa
thu được tiền.
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với
cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt
đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có
thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là
thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để
đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài
chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập
dự án đầu tư xây dựng).”
Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách
tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:
+ Tại Điều 1 quy định về về giảm thuế giá trị gia tăng:
“Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng
1. Giảm thuế giá trị gia tăng
đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm
hàng hóa, dịch vụ sau:
a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh
doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai
khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại
Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại
Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định
tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất,
gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao
gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy
trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng
than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài
khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm
theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối
tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia
tăng thì thực
hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá
trị gia tăng.
…
2. Mức giảm thuế giá trị gia
tăng
a) Cơ sở kinh doanh tính thuế
giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá
trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
…”
+ Tại khoản 1 Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành
“1. Nghị định này có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 02 năm 2022.
Điều 1 Nghị định này được áp dụng
kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
…”
Căn cứ quy định nêu trên, trường
hợp Công ty của độc giả cung cấp hàng hóa, dịch vụ nếu
đủ điều kiện được giảm
thuế GTGT theo quy định tại Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP, thời điểm chuyển
giao quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với hàng hóa hoặc thời điểm hoàn thành việc
cung ứng dịch vụ kể từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 thì Công ty lập
hóa đơn áp dụng mức thuế suất 8% theo quy định.
Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh trả lời để độc giả Đặng Anh biết, thực hiện
theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn
bản này./.