Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Xin BTC hướng dẫn nội dung sau: (1) Tại mã số 50 (thứ tự VII) biểu mẫu B02/BCTC-TH kèm theo TT 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 phản ánh thặng dư/thâm hụt trong năm có bằng TK 421 và có bằng thặng dư/thâm hụt lũy kế (năm ngoái không có thặng dư chuyển sang) chỉ tiêu tăng, giảm tại bảng "15. Bảng biến động của nguồn vốn" mục III tại biểu mẫu B04/BCTC-TH kèm theo TT 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 không ạ?. (2) Tài sản mua từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp dùng cho hoạt động hành chính khi đó trong chi phí hoạt động (mã số 6 tại biểu B02/BCTC-TH) sẽ bằng chi phí trong năm + hao mòn, danh thu từ NSNN cấp (mã số 2 tại biểu B02/BCTC-TH) là doanh thu trong năm (không bao gồm hao mòn) = chi phí trong năm. Khi đó thặng dư/thâm hụt (mã số 9 tại biểu B02/BCTC-TH) sẽ âm = số hao mòn. Như vậy đơn vị đã hạch toán đủ và đúng chưa ạ? Xin chân thành cảm ơn và sớm nhận được câu trả lời./.
06/07/2022
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi liên quan đến chỉ tiêu trên các mẫu biểu báo cáo tài chính tổng hợp theo Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính (BCTC) tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên. Về vấn đề này Cục Quản lý, giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Các nội dung hỏi của độc giả là về chỉ tiêu trên mẫu biểu báo cáo tài chính tổng hợp, tuy nhiên lại đề cập đến số liệu trên tài khoản kế toán (TK 421) và hạch toán doanh thu, chi phí tại các đơn vị. Theo quy định tại Thông tư 99/2018/TT-BTC, việc lập BCTC của đơn vị cấp trên thực hiện trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các đơn vị cấp dưới; theo đó việc mở tài khoản kế toán và ghi sổ kế toán các nghiệp vụ không thực hiện tại đơn vị cấp trên mà thực hiện ở đơn vị kế toán cơ sở cấp dưới theo chế độ kế toán đơn vị áp dụng (như Thông tư 107/2017/TT-BTC). Đề nghị độc giả lưu ý, tránh nhầm lẫn giữa các quy định hiện hành.

2. Đối với các nội dung liên quan đến câu hỏi của độc giả:

a. Về việc so sánh các chỉ tiêu tại các mẫu biểu BCTC tổng hợp theo Thông tư số 99/2018/TT-BTC, đề nghị độc giả lưu ý các chỉ tiêu “thặng dư/thâm hụt trong năm” (thuộc Báo cáo kết quả hoạt động tổng hợp); “thặng dư/thâm hụt lũy kế” (thuộc Báo cáo tình hình tài chính tổng hợp); “tăng, giảm thặng dư/thâm hụt lũy kế” (thuyết minh về Biến động của nguồn vốn) mặc dù đều liên quan đến thặng dư/thâm hụt của đơn vị nhưng căn cứ lấy số liệu và nội dung phản ánh khác nhau. Ví dụ số liệu “thặng dư/thâm hụt trong năm”  tổng hợp từ các hoạt động của đơn vị trên cơ sở chênh lệch doanh thu - chi phí; số liệu “tăng, giảm thặng dư/thâm hụt” căn cứ biến động của thặng dư/thâm hụt lũy kế trong năm (có thể phát sinh từ xác định thặng dư/thâm hụt trong năm, phân phối thặng dư theo quy định, kết chuyển nguồn cải cách tiền lương,...). Theo đó với thông tin độc giả cung cấp, Bộ Tài chính không có cơ sở để so sánh về mặt giá trị giữa các chỉ tiêu trên.

b. Về thặng dư/thâm hụt của hoạt động hành chính, sự nghiệp:

Nội dung hỏi của độc giả chưa cung cấp đầy đủ thông tin việc ghi nhận doanh thu, chi phí tại đơn vị cấp dưới và việc tổng hợp BCTC của đơn vị cấp trên, do đó Bộ Tài chính chưa có đủ cơ sở đánh giá việc thực hiện tại đơn vị. Thực tế việc sử dụng TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp sẽ phát sinh chi phí trong năm (chi phí hao mòn, khấu hao), còn doanh thu liên quan đến TSCĐ này đã được ghi nhận vào các năm trước (do Quỹ đã được trích lập từ thặng dư (thâm hụt) các năm trước của đơn vị). Theo đó, tại đơn vị có thể phát sinh thâm hụt liên quan đến việc sử dụng TSCĐ hình thành từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp do doanh thu trong năm nhỏ hơn chi phí trong năm. Đơn vị cần thuyết minh rõ về nội dung này trong Thuyết minh Báo cáo tài chính.

Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: