Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính Đơn vị chúng tôi là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi hoạt động thường xuyên theo nghị định số 141/2016/NĐ-CP, tôi xin có 2 câu hỏi như sau: 1. Đơn vị có 1 xe ô tô 16 chỗ đang sử dụng bình thường, chưa hết khấu hao, tuy nhiên theo NĐ 04/2019/NĐ-CP đơn vị tôi không có định mức được sử dụng xe 16 chỗ vì vậy phải điều chuyển xe đi nơi khác, tuy nhiên không có đơn vị nào nhận do đó UBND tỉnh ra quyết định giao cho đơn vị tôi bán đấu giá xe ô tô 16 chỗ trên, chúng tôi đã hoàn thành việc bán đấu giá xe ô tô trên với giá 160 triệu đồng và đã được Sở Tài chính cấp hóa đơn bán tài sản nhà nước. Đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên do đó số tiền thu được từ bán xe là 160 triệu đồng theo khoản 2, Điều 55 Nghị định 151/2017/NĐ-CP thì số thu này đơn vị tôi sẽ được giữ lại để bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Tôi xin hỏi số tiền thu được này sẽ được hạch toán như thế nào và đơn vị tôi có phải nộp thuế cho khoản thu tiền bán xe trên hay không. 2. Trong năm chúng tôi có phát sinh hoạt động như sau: - Ký hợp đồng làm dịch vụ tư vấn với Chi nhánh công ty A, giá trị hợp đồng là 10 triệu đồng, Chi nhánh công ty A tạm ứng trước cho chúng tôi số tiền là 3 triệu đồng, chúng tôi đã ghi công nợ đối với công ty A là 3 triệu đồng, hạch toán Nợ TK112/Có TK131 (CN công ty A): 3trđ. - Trong quá trình hoạt động CN Công ty A sắp xếp lại hoạt động và thành lập công ty mới là Công ty B, theo đó hợp đồng đã ký với CN Công ty A được chuyển tiếp sang Công ty mới thành lập là Công ty B. Sau khi hoàn thành hợp đồng Công ty B thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng là 7 triệu đồng, đơn vị tôi ghi nhận công nợ với công ty B là 7 triệu đồng, hạch toán Nợ TK112/Có TK131 (Công ty B): 7 triệu đồng. - Xuất hóa đơn hoàn thành công việc cho công ty B là 10 triệu đồng, hạch toán Nợ TK 131 (công ty B)/Có TK 531: 10 triệu đồng Như vậy trên sổ sách kế toán của chúng tôi vẫn ghi nhận công nợ đối với 2 công ty là CN công ty A (Dự Nợ TK 131 CN công ty A 3 triệu đồng) và công ty B (Dư có TK 131 công ty B 3 triệu đồng) nhưng trong thực tế thì hợp đồng đã hoàn thành và quyết toán xong. Xin hỏi phải hạch toán như thế nào để làm hết công nợ đối với 2 công ty trên. Kính mong Bộ Tài chính giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn
22/11/2021
Trả lời:

 

1.     Về hạch toán thanh lý, nhượng bán TCSĐ

Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, tại Phụ lục số 02 đã quy định việc hạch toán thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ tại phần hướng dẫn hạch toán các tài khoản 211, 333, 711,... Đề nghị độc giả nghiên cứu các quy định liên quan tại các tài khoản nêu trên để thực hiện.

2. Việc nộp thuế đối với tiền bán tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập

          - Điểm d khoản 1 Điều 2 Luật thuế TNDN quy định về người nộp thuế như sau:

          “1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm: d) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

          - Khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNDN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) quy định về thu nhập chịu thuế:

          “Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn... thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác”.

- Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định:

“5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

a) Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật áp dụng mức thuế quy định tại Điểm c Khoản này;

b) Đối với kinh doanh hàng hóa là 1%;

c) Đối với hoạt động khác là 2%.”.

          Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh thu nhập từ bán xe ô tô thì thực hiện nộp thuế theo quy định.

3. Về hạch toán khoản nhận trước của khách hàng

Theo nội dung thư hỏi của độc giả, đơn vị ký hợp đồng tư vấn với Công ty A, đã nhận tiền ứng trước hợp đồng của công ty A. Sau đó do Công ty A sắp xếp lại hoạt động nên được chuyển thành công ty B, hợp đồng mà đơn vị đã ký với công ty A được chuyển tiếp sang cho công ty B thực hiện.

Theo đó căn cứ hồ sơ về việc công ty A chuyển tiếp việc thực hiện hợp đồng sang cho công ty B, trong đó bao gồm thỏa thuận của 2 bên về việc chuyển giao khoản đã nhận trước của công ty A thành khoản nhận trước của Công ty B để tiếp tục thực hiện hợp đồng, kế toán hạch toán ghi giảm khoản đã nhận trước của Công ty A và tăng khoản nhận trước của Công ty B.   

 Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

 

Gửi phản hồi: