Hỏi đáp CSTC

Hỏi:

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, cùng với đó vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh Sơn La dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp tại địa bàn huyện Phù Yên đã ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng (Với 250 ca mắc Covid-19). Dự báo trong thời gian tới số lượng công dân đi lao động ngoại tỉnh trở về tỉnh tương đối lớn, đặc biệt là số lao động trở về từ vùng dịch tại các tỉnh phía nam (như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…), do đó nhu cầu huy động, trưng dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân để sử dụng làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch rất lớn. Trong khi đó theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thì chưa đủ điều kiện để huy động và trưng dụng tài sản. Cụ thể như sau:

1. Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm:

Điều 54. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch:

“ 2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

a) Huy động các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;”

Điều 55. Huy động các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

“1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.”

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch do chưa đủ các điều kiện theo pháp luật về ban bố tình trạng khẩn cấp. Do đó việc huy động các nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống dịch chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

2. Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản:

“Điều 5. Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

…….

4. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.”

Như vậy, việc trưng dụng tài sản theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cũng chưa đủ điều kiện do chưa thực hiện các biện pháp huy động khác (do chưa đủ điều kiện huy động theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm).

3. Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ:

Theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội đã cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có nội dung khác với quy định của Luật để đáp ứng với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Điểm b, khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 86/NQ-CP có nội dung:

“Điều 1. Các giải pháp cấp bách

1. Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19:

…….

b) Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.”

Tôi xin hỏi Bộ Tài chính, việc huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La có được thực hiện trong điều kiện Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch hay không?

Kính mong sớm nhận được ý kiến trả lời để tỉnh Sơn La được thực hiện trưng dụng tài sản phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid 19.

27/10/2021
Trả lời:

1. Về việc trưng dụng tài sản phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

a) Quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản

- Tại khoản 2 Điều 54, Điều 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:

Điều 54. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch

...2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

a) Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

Điều 55. Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.


2. Việc trưng dụng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Luật này.

- Tại khoản 4 Điều 5, khoản 2 Điều 41 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định về điều kiện trưng mua, trưng dụng:

Điều 5. Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

…4. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm hoạ do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước”.

Điều 41. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, bộ luật

...2. Bỏ cụm từ “trưng dụng” tại Điều 55 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 và sửa đổi, bổ sung Điều này như sau:

Điều 55. Huy động các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

2. Tài sản đã huy động nếu được hoàn trả phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định của Luật này.”

b) Căn cứ quy định nêu trên, kể từ ngày Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2009) thì việc trưng dụng tài sản để đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm hoạ do dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của nhân dân được thực hiện theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

2. Về các biện pháp bảo đảm tài sản phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại tiết b, khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ quy định: “…kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng”.

Trong đó, đối với trường hợp huy động tài sản phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La xin ý kiến của Bộ Y tế (cơ quan giúp Chính phủ xây dựng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm) để thực hiện theo đúng quy định.

Gửi phản hồi: