Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi đang công tác tại công ty cổ phần khai thác đá số 1 Hương Trà Địa chỉ: Số 12 Kim Trà, P Tứ Hạ, Thị xã Hường Trà, Thừa Thiên Huế Số điện thoại: 0915381899; Gmail: Nxtxt2004@gmail.com Lĩnh vực hoạt động: khai thác khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng thông thường. Tôi có tình huống và câu hỏi như sau: Tháng 6/2019, sau công đoạn nổ mìn, đá được dùng làm VLXD và thu được 6880 m3 đá xô bồ. Trong tháng này, Công ty bán được 500 m3 đá xô bồ cho khách hàng với giá chưa bao gồm VAT 90.000 đồng /m3; 3.200 m3 tồn kho lưu bãi. Còn 3.180 m3 đá xô bồ đưa qua công đoạn chế biến (đập, nghiền côn, sàng ...) tạo ra các thành phẩm đá có kích cở các ly khác nhau (Đá 0.5 x 1: 320 m3; Đá 1 x 2: 904 m3; Đá 2 x 4: 312 m3; Đá 4 x 6: 692 m3; Đá 05: 320 m3; Đá mi mạt: 470 m3). Sau khi ra được sản phẩm Công ty bán 800 m3 đá 1 x 2 với giá 270.000 đồng/m3 (giá chưa bao gồm thuế VAT); đá 2 x 4 bán được 200 m3 với giá 250.000 đồng/m3(giá chưa bao gồm thuế VAT). * Căn cứ vào Khoản 3, Điều 2 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định: “3. Khoáng sản nguyên khai là sản phẩm tài nguyên của khoáng sản, đã khai thác, không còn ở trạng thái tự nhiên nhưng chưa qua đập, nghiền, sàng, phân loại hoặc các hoạt động khác để nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác.”. * Căn cứ vào Khoản 1, Điều 5 Thông tư 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài Chính quy định: “Điều 5. Sản lượng tài nguyên tính thuế: 1. Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế. Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ”. * Căn cứ Khoản 2, Điều 2 Luật Tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009 quy định đối tượng chịu thuế như sau: “Điều 2. Đối tượng chịu thuế ... 2. Khoáng sản không kim loại”. * Căn cứ Khoản 1, Điều 2 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 quy định: “Điều 2. Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. * Căn cứ Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 07/07/2016; Quyết định số 71/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 14/12/2018 quy định giá tính thuế tài nguyên đá xô bồ: 90.000 đồng/m3; đá 1 x 2: 250.000 đồng/m3; đá 2 x 4: 240.000 đồng/m3 ….. Vậy xin hỏi Quý Bộ là: Câu hỏi 1: Đá 1 x 2; đá 2 x 4; đá 4 x 6... thu được từ hoạt động chế biến đá sau khai thác (đập, côn nghiền, sàng ...) không còn ở thể tự nhiên như khái niệm trên thì có được xem là đối tượng chịu thuế tài nguyên không? Câu hỏi 2: Tôi phải xác định sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên như thế nào? Hướng dẫn cách quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ theo Khoản 1, Điều 5 Thông tư 152/2015/TT-BTC cho tình huống nêu trên? Câu hỏi 3: Sản phẩm tài nguyên là đá sau nổ mìn đã khai thác, không còn ở trạng thái tự nhiên nhưng chưa qua đập, nghiền, sàng, phân loại hoặc các hoạt động khác để nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác, tôi hiểu thế có đúng không? Hiện nay các loại đá như 1 x 2; đá 2 x 4; đá 4 x 6; đá bay là những thành phẩm sau chế biến mới bán ra được. Không ai sản xuất đá 1 x 2; đá 2 x4 ... phân loại thu được sau
16/10/2019
Trả lời:

1/ Trả lời câu hỏi 1: Đối tượng chịu thuế Tài nguyên:

- Căn cứ Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Tài nguyên, quy định:

“Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế tài nguyên thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên, bao gồm:

1. Khoáng sản kim loại.

2. Khoáng sản không kim loại.

…”

- Căn cứ Thông tư 152 /2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Tài nguyên, quy định:

Đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, bao gồm:

1. Khoáng sản kim loại.

2. Khoáng sản không kim loại.

…”

- Căn cứ Nghị đinh số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế

“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên như sau:

…..

4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 4 như sau:

“4. ….

Trường hợptài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán tại thị trường trong nước.

 

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty của Ông có hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, sau công đoạn nổ mìn thu được đá xô bồ, một phần đem bán, phần còn lại đưa qua công đoạn chế biến (đập, nghiền côn, sàng…) tạo ra các thành phẩm đã có kích cở các ly khác nhau (đá 1x2; đá 2x4; đã 4x6...). Các sản phẩm này là Khoáng sản không kim loại do Công ty Ông khai thác, chế biến thuộc đối tượng chịu thuế Tài nguyên, không phân biệt còn ở thể tự nhiên hay không còn ở thể tự nhiên.

 

2/ Trả lời câu hỏi 2: sản lượng tài nguyên tính thuế và giá tính thuế tài nguyên:

2.1/ Sản lượng tài nguyên tính thuế:

Căn cứ Khoản 1, Điều 5 Thông tư 152 /2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 hướng dẫn về thuế Tài nguyên:

“1. Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A khai thác đá sau nổ mìn, khai thác thu được đá hộc, đá dăm các ly khác nhau thì được phân loại theo từng cấp độ, chất lượng từng loại đá thu được để xác định sản lượng đá tính thuế của mỗi loại. Trường hợp, doanh nghiệp A có bán một phần sản lượng đá hộc, số đá hộc, đá dăm còn lại được đưa vào đập, nghiền thành các loại đá dăm có các cỡ (ly) khác nhau thì sản lượng tính thuế được xác định bằng cách quy từ sản lượng đá các cỡ (ly) ra sản lượng đá có sản lượng bán ra lớn nhất để xác định sản lượng đá thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên. Doanh nghiệp A thực hiện khai, nộp thuế đối với sản lượng đá khai thác theo giá bán tương ứng.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty của Ông có hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, nếu sau công đoạn nổ mìn thu được loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế. Trường hợp sau công đoạn nổ mìn  thu được đá có nhiều cấp độ, kích cỡ khác nhau, một phần đem bán, phần còn lại  được đưa vào chế biến (đập, nghiền côn, sàng…) tạo ra các thành phẩm đá có kích cở các ly khác nhau (đá 1x2; đá 2x4; đã 4x6...) thì sản lượng tính thuế được xác định bằng cách quy từ sản lượng đá các cỡ (ly) ra sản lượng đá có sản lượng bán ra lớn nhất để xác định sản lượng đá thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên. Đơn vị  thực hiện khai, nộp thuế đối với sản lượng đá khai thác theo giá bán tương ứng.

2.2/ Giá tính thuế tài nguyên:

- Căn cứ Nghị đinh số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế

“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên như sau:

…..

4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 4 như sau:

“4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế tài nguyên khai thác quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán tại thị trường trong nước.

Căn cứ giá tính thuế tài nguyên đã xác định để áp dụng sản lượng tính thuế đối với đơn vị tài nguyên tương ứng. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó.”

- Căn cứ Điều 6 Thông tư 152 /2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 hướng dẫn về thuế Tài nguyên:

Điều 6. Giá tính thuế tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định.

…….

1. Đối với loại tài nguyên xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên có cùng phẩm cấp, chất lượng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được áp dụng cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng; Giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế GTGT) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng.

…..

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (bán trong nước hoặc xuất khẩu)

a) Trường hợp bán ra sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên (trường hợp bán trong nước) tương ứng với sản lượng tài nguyên bán ra ghi trên chứng từ bán hàng hoặc trị giá hải quan của sản phẩm tài nguyên xuất khẩu (trường hợp xuất khẩu) không bao gồm thuế xuất khẩu tương ứng với sản lượng tài nguyên xuất khẩu ghi trên chứng từ xuất khẩu nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.

......

b) Trường hợp bán ra sản phẩm công nghiệp thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp được trừ khi xác định giá tính thuế căn cứ công nghệ chế biến của doanh nghiệp theo Dự án đã được phê duyệt nhưng không bao gồm chi phí khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.

…..

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty của Ông có hoạt động khai thác đá, sau công đoạn nổ mìn thu được sản lượng đá xô bồ và bán ra thì giá tính thuế tài nguyên là giá của sản lượng thực tế đá xô bồ bán ra chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

Trường hợp sau công đoạn nổ mìn thu được đá xô bồ, một phần đem bán, phần còn lại được đưa vào chế biến (đập, nghiền côn, sàng…) tạo ra các sản phẩm đá có kích cở các ly khác nhau (đá 1x2; đá 2x4; đã 4x6…). Nếu bán ra là sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tương ứng với sản lượng tài nguyên bán ra ghi trên chứng từ bán hàng nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định. Nếu bán ra là sản phẩm công nghiệp thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.

 Căn cứ giá tính thuế tài nguyên đã xác định để áp dụng sản lượng tính thuế đối với đơn vị tài nguyên tương ứng. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó.

3/ Trả lời câu hỏi 3: Nội dung câu hỏi này chưa rõ, đề nghị Ông liên hệ với Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế (phòng Tuyên truyền và hổ trợ người nộp thuế) và hỏi rõ hơn để được giải đáp.

 

Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời để Ông được biết và thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được trích dẫn trên./.

Gửi phản hồi: