Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế. Doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp thượng mại chuyên xuất khẩu bột đá siêu mịn CaCo3 được mua từ nhà máy công ty A. Hiện nay công ty chúng tôi đang thực hiện hoàn thuế GTGT. Theo thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài Chính Sửa đổi, bổ sung Khoản 23 Điều 4 về đối tượng không chịu thuế GTGT, để đủ điều kiện hoàn thuế, công ty chúng tôi cần xác định tỷ trọng tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm nhỏ hơn 51%. Theo điểm 3 khoản II các nội dung đã giải đáp về thông tư số 130/2016/TT-TCT tại hội nghị tập huấn đính kèm thông báo số 6294/TB-TCT ngày 23/11/2016 Tổng cục thuế, hướng dẫn về việc xác định tỷ trọng tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm trường hợp doanh nghiệp mua sản phẩm chế biến từ tài nguyên khoáng sản từ khâu thương mại như sau: “Về nguyên tắc, việc xác định tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành do doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm. Theo quy định tại Khoản 1c Điều 1 Thông tư 130, doanh nghiệp sản xuất không xuất khẩu mà bán cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì doanh nghiệp mua hàng hoá là tài nguyên khoáng sản của doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu thì căn cứ để xác định tài nguyên khoáng sản xuất khẩu này áp dụng thống nhất với sản phẩm tài nguyên khoáng sản do doanh nghiệp sản xuất trực tiếp xuất khẩu. Việc cung cấp thông tin xác định tỷ lệ % trị giá tài nguyên khoáng sản trên giá thành sản xuất sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất tài nguyên khoáng sản xác định và cung cấp” Theo như hướng dẫn trên, căn cứ xác định tỷ trọng tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất của mặt hàng bột đá siêu mịn CaCO3 mà công ty chúng tôi xuất khẩu trong kì hoàn thuế từ quý 3.2016 sẽ áp dụng thống nhất với sản phẩm bột đá CaCO3 do Công ty A trường hợp trực tiếp xuất khẩu. Trong bảng tính giá thành sản phẩm của công ty A thì bao bì là 1 trong những chi phí nguyên vật liệu trực tiếp phục vụ cho nhu cầu bảo quản, đóng gói trong sản xuất. Đồng thời, cục thuế quản lý công ty A cũng xác nhận sản phẩm bột đá siêu mịn CaCo3 mà công ty A đang chế biến là loại bột mịn vì vậy phải được đóng bao ở khâu sản xuất mới tiến hành nhập kho sản phẩm, tức là bao bì nằm trong quy trình sản xuất sản phẩm của công ty A. Tuy nhiên, do yêu cầu của từng khách hàng nước ngoài về nhãn hiệu bao bì, do đó bao bì sẽ do công ty chúng tôi đặt mua và vận chuyển về công ty A để đóng hàng. Trong bảng tính tỷ trọng của công ty A, đối với trường hợp giả sử công ty A sản xuất nhập kho để xuất khẩu trực tiếp sẽ có chi phí bao bì trong giá thành sản phẩm và tỷ trọng tài nguyên khoáng sản của sản phẩm dưới 51%, thuộc đối tượng chịu thuế 0%. Tuy nhiên, trong bảng tính giá thành các sản phẩm tương tự bán cho công ty chúng tôi để xuất khẩu đều không phản ánh chi phí vỏ bao vì thế tỷ trọng các sản phẩm này đều lớn hơn 51%. Nếu sử dụng chi phí vỏ bao của công ty chúng tôi mua đóng hàng trong việc tính giá thành sản phẩm thì sẽ phản ánh được chính xác toàn bộ chi phí liên quan đến giá thành sản phẩm trong quy trình sản xuất và tỷ trọng tài nguyên khoáng sản sẽ xuống dưới 51%. Như vậy, đối với trường hợp công ty chúng tôi, nếu Công ty A đã xác định rõ chi phí bao bì nằm trong quy trình sản xuất và Cục thuế quản lý Công ty A cũng xác nhận bao bì (mà Công ty chúng tôi đặt mua và vận chuyển về Công ty A) nằm trong quy trình sản xuất; đồng thời nếu sử dụng chi phí bao bì của công ty chúng tôi mua đóng hàng trong việc tính giá thành sản phẩm, tỷ trọng tài nguyên khoáng sản sẽ là dưới 51%, thì chúng tôi có đủ điều kiện hưởng thuế suất 0% và đủ điều kiện hoàn thuế không? Chúng tôi cần cung cấp thêm hồ sơ gì để làm rõ chi phí bao bì trong khẩu sản xuất ? Kính mong Bộ Tài Chính và Tổng Cục Thuế giải đáp thắc mắc này của công ty chúng tôi. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
18/09/2018
Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/ 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế:

"...c) Sửa đổi, bổ sung khoản 23 Điều 4 như sau:

“23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản.

a) Tài nguyên, khoáng sản là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.

b) Việc xác định tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành được thực hiện theo công thức:

Tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm  
 
==
Trị giá tài nguyên, khoáng sản + chi phí năng lượng x 100%
Tổng giá thành sản xuất sản phẩm

Trong đó:

Trị giá tài nguyên, khoáng sản là giá vốn tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên, khoáng sản; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến là giá thực tế mua cộng chi phí đưa tài nguyên, khoáng sản vào chế biến.

Chi phí năng lượng gồm: nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng.

Trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng được xác định theo giá trị ghi sổ kế toán phù hợp với Bảng tổng hợp tính giá thành sản phẩm.

Giá thành sản xuất sản phẩm bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Các chi phí gián tiếp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính và chi phí khác không được tính vào giá thành sản xuất sản phẩm.

Việc xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản, chi phí năng lượng và giá thành sản xuất sản phẩm căn cứ vào quyết toán năm trước; trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa có báo cáo quyết toán năm trước thì căn cứ vào phương án đầu tư.

c) Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua vào để chế biến) có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản khi xuất khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp doanh nghiệp không xuất khẩu mà bán cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì doanh nghiệp mua hàng hóa này để xuất khẩu phải thực hiện kê khai thuế GTGT như sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp sản xuất trực tiếp xuất khẩu và phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định.”

 - Căn cứ Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp:

+ Tại Điều 25 quy định:

“Điều 25. Tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu

1. Nguyên tắc kế toán

- Vật liệu phụ: Là những loại vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất, không cấu thành thực thể chính của sản phẩm nhưng có thể kết hợp với vật liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm được thực hiện bình thường hoặc phục vụ cho nhu cầu công nghệ, kỹ thuật, bảo quản đóng gói, phục vụ cho quá trình lao động.”

+Tại Điều 84 quy định:

“Điều 84. Tài khoản 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

b) Chỉ hạch toán vào tài khoản 621 những chi phí nguyên liệu, vật liệu (gồm cả nguyên liệu, vật liệu chính và vật liệu phụ) được sử dụng trực tiếp để sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ trong kỳ sản xuất, kinh doanh. Chi phí nguyên liệu, vật liệu phải tính theo giá thực tế khi xuất sử dụng.”

+Tại Điều 91 quy định:

“Điều 91. Tài khoản 641 - Chi phí bán hàng

- Tài khoản 6412 - Chi phí vật liệu, bao bì: Phản ánh các chi phí vật liệu, bao bì xuất dùng cho việc giữ gìn, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, như chi phí vật liệu đóng gói sản phẩm, hàng hóa, chi phí vật liệu, nhiên liệu dùng cho bảo quản, bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa trong quá trình tiêu thụ, vật liệu dùng cho sửa chữa, bảo quản TSCĐ,... dùng cho bộ phận bán hàng…”

  Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi của độc giả, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Trường hợp năm 2016 Công ty của độc giả xuất khẩu sản phẩm bột đá siêu mịn CaCo3 là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định.

- Đối với nội dung Công ty độc giả trực tiếp mua bao bì, sau đó chuyển cho Công ty A để đóng bao sản phẩm thì đề nghị công ty của độc giả liên hệ với cơ quan thuế trực tiếp quản lý và cung cấp hồ sơ cụ thể để làm rõ chi phí bao bì nằm trong quy trình sản xuất sản phẩm hay nằm trong quá trình tiêu thụ sản phẩm dùng cho bộ phận bán hàng để hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và làm căn cứ xác định tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất theo quy định.

Gửi phản hồi: