Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, Trong năm 2021, tôi có phát sinh hoạt động cho thuê tài sản và đã tiến hành kê khai hồ sơ thuế. Ban đầu tôi có sở hữu một mã số thuế cá nhân loại 0900 (10 số), sau đó được cơ quan thuế hướng dẫn đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh loại 0310 (13 số) để kê khai thuế tài sản, như vậy tôi đang có 2 mã số thuế. Tuy nhiên, do sai sót khi nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước tôi lại nộp tiền theo mã số thuế cá nhân loại 0900 (10 số) nên trên hệ thống thuế theo mã số thuế hộ kinh doanh loại 0310 (13 số) vẫn ghi nhận tôi nợ thuế. Vậy trường hợp này 2 mã số thuế có phải là một và tôi có được bù trừ khoản tiền nộp nhầm trên mã số thuế cá nhân sang cho mã số thuế hộ kinh doanh không? hay phải làm hoàn khoản nộp nhầm từ tài khoản mã số thuế cá nhân? Nhờ bộ tài chính hướng dẫn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn
31/01/2024
Trả lời:

- Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội:

+Tại Khoản 2 Điều 64 quy định như sau:

Điều 64. Xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm

2. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau.”

- Căn cứ Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.

+Tại Điều 25 quy định xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

“1. Người nộp thuế có số tiền thuế nộp thừa, tiền chậm nộp nộp thừa, tiền phạt nộp thừa (sau đây gọi là khoản nộp thừa) theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế thì được xử lý bù trừ hoặc hoàn trả như sau:

a) Bù trừ khoản nộp thừa với số tiền thuế còn nợ, tiền chậm nộp còn nợ, tiền phạt còn nợ (sau đây gọi là khoản nợ) hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phát sinh phải nộp của lần tiếp theo (sau đây gọi là khoản thu phát sinh) trong các trường hợp:

a.1) Bù trừ với khoản nợ của người nộp thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa.

a.2) Bù trừ với khoản thu phát sinh của người nộp thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa.

...

a.4) Bù trừ với khoản nợ hoặc khoản thu phát sinh có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách của người nộp thuế khác khi người nộp thuế không còn khoản nợ.

c) Thời điểm xác định khoản nộp thừa để xử lý bù trừ hoặc hoàn nộp thừa:

...

2. Trình tự, thủ tục bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

a) Người nộp thuế có khoản nộp thừa bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh theo quy định tại điểm a.1, a.2, a.3 khoản 1 Điều này thì không phải gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa đến cơ quan thuế. Cơ quan thuế thực hiện tự động bù trừ trên hệ thống quản lý thuế theo quy định về kế toán nghiệp vụ thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a.1, a.2 khoản 1 Điều này và cung cấp thông tin cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 69 Thông tư này.

b) Người nộp thuế có khoản nộp thừa bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh theo quy định tại điểm a.4 khoản 1 Điều này thì gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa, gồm: Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 01/DNXLNT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này và các tài liệu liên quan (nếu có) đến cơ quan thuế có thẩm quyền xử lý khoản nộp thừa quy định tại khoản 3 Điều này.

…”

+ Tại Điều 69 quy định cung cấp, xử lý sai, sót, tra soát, điều chỉnh thông tin:

“...

2. Trường hợp sai, sót, tra soát, điều chỉnh thông tin thu, nộp ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là tra soát)

a) Người nộp thuế phát hiện thông tin đã ghi nhận trong hệ thống ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế do cơ quan thuế cung cấp định kỳ theo quy định tại khoản 1 Điều này có sai khác với thông tin theo dõi của người nộp thuế.

b) Người nộp thuế phát hiện thông tin đã khai trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước không chính xác. Người nộp thuế chỉ được đề nghị điều chỉnh các chứng từ nộp ngân sách đáp ứng các điều kiện sau:

b.1) Chứng từ nộp ngân sách của năm trước nhưng đề nghị điều chỉnh vào năm sau chỉ được điều chỉnh trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách.

b.2) Không đề nghị điều chỉnh thông tin về tổng số tiền, loại tiền trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước.

b.3) Không thuộc trường hợp gửi văn bản đề nghị bù trừ khoản nộp thừa hoặc đề nghị hoàn thuế theo quy định tại Điều 25 và Điều 42 Thông tư này.

...

3. Hồ sơ đề nghị tra soát gồm:

a) Văn bản đề nghị tra soát theo mẫu số 01/TS ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.

b) Tài liệu chứng minh (nếu có): Bản sao chứng từ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế hoặc bản sao các quyết định, thông báo, chứng từ có liên quan.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Độc giả phát hiện thông tin đã khai trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước năm 2021 (đã quá thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách) không chính xác thì xử lý số tiền thuế nộp nhầm trên mã số thuế cá nhân theo hướng dẫn quy định tại Điều 25 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Độc giả cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

Gửi phản hồi: