- Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP
ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định về giảm thuế giá trị gia tăng
như sau:
“1.
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức
thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:…”
- Căn cứ Điều 2 Nghị định số 41/2022/NĐ-CP
ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1
của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định
chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về
chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
- xã hội như sau:
““4.
Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi bán
hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn
giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định
tại khoản 3 Điều này.”
Trường
hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi bán hàng
hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm
theo quy định tại khoản 3 Điều này.””
- Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 1 Thông tư
số 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về hàng
hoá, dịch vụ không chịu thuế như sau:
“9.
Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh
cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức
khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người
khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của
các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người
bệnh….”
- Căn cứ Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC
ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về quy tắc khấu trừ thuế
GTGT như sau:
““2.
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng
thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế
GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho
sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải
hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường
hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ
(%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế
GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu
không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.”
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời nguyên tắc cho Độc giả như sau:
Trường hợp công ty của Độc giả khi bán hàng hóa, cung cấp
dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ
thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số
41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Trường hợp phí xét
nghiệm Covid thuộc đối tượng dịch vụ phòng bệnh theo quy định tại điểm a Khoản
1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC thì không chịu thuế GTGT. Khi lập hoá đơn
thuế GTGT, đề nghị công ty của Độc giả thể hiện rõ thuế suất thuế GTGT theo quy
định của từng loại hàng hoá, dịch vụ.
Trường hợp thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả
tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào
của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế
GTGT.
Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời
cho Độc giả biết để thực hiện./.