Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Tổng cục Thuế. Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam; Căn cứ hợp đồng Chuyển nhượng quyền kinh doanh ngày 12/6/2018 giữa Công ty TNHH Aptech và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) xin trình bày nội dung vấn đề như sau: Trung tâm có ký hợp đồng với Công ty TNHH Aptech Ấn Độ về việc chuyển nhượng quyền kinh doanh. Theo hợp đồng, Trung tâm sẽ thanh toán 01 lần phí bản quyền là 3.000$ trong vòng 3 năm và thanh toán định kỳ hàng năm bằng 20% doanh thu cho Công ty TNHH Aptech Ấn Độ. Như vậy, khoản tiền mà Trung tâm trả cho Công ty TNHH Aptech Ấn Độ phải chịu thuế nhà thầu. Trong đó, - Thuế TNDN: Trung tâm phải nộp thuế TNDN từ tiền bản quyền thay cho công ty TNHH Aptech Ấn Độ bằng 10% số tiền trả cho công ty TNHH Aptech Ấn Độ. - Thuế GTGT: Về vấn đề nộp thuế GTGT cho hoạt động chuyển nhượng quyền kinh doanh của công ty TNHH Aptech Ấn Độ, Trung tâm xác định như sau: Theo khoản 1, Điều 6, Chương II Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính quy định đối tượng chịu thuế GTGT nhà thầu như sau: “Điều 6. Đối tượng chịu thuế GTGT 1. Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), bao gồm: - Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam; - Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp ngoài Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam.” Theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền kinh doanh giữa Công ty TNHH Aptech Ấn Độ và Trung tâm, phía Công ty TNHH Aptech Ấn Độ cung cấp bản quyền đó là quy trình đào tạo công nghệ thông tin cho Trung tâm để tổ chức đào tạo lập trình viên phần mềm theo chương trình của Công ty TNHH Aptech Ấn Độ. Trung tâm sử dụng những bí quyết kỹ thuật, thương hiệu, tên giao dịch, dịch vụ, giáo trình, quy trình đào tạo của Công ty TNHH Aptech Ấn Độ để tổ chức đào tạo lập trình viên phần mềm tại Huế; việc ra đề thi, chấm thi và cấp bằng do phía Công ty TNHH Aptech Ấn Độ cấp. Như vậy, việc Trung tâm sử dụng bản quyền của công ty TNHH Aptech là để thực hiện hoạt động dạy học. Theo quy định Khoản 13 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BTC ngày 09/5/2018 của Bộ Tài chính thì dịch vụ dạy học là đối tượng không chịu thuế GTGT. Từ các lý do trình bày như trên, Trung tâm xác định về thuế đối với Khoản tiền trả cho bên nước ngoài để sử dụng thương hiệu Aptech: Căn cứ Thông tư 103/2014/TT-BTC nêu trên, Trung tâm phải nộp thuế thu nhập từ tiền bản quyền thay cho bên nước ngoài bằng 10 % trên số tiền trả cho phía nước ngoài và không nộp thuế giá trị gia tăng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Ngân sách nhà nước theo quy định, Trung tâm kính đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn chính sách thuế đối với trường hợp áp dụng thuế GTGT nêu trên. Trân trọng cảm ơn./.
10/12/2020
Trả lời:

Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2017 quy định:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

7. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyn giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyn giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.”

Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009QH12 ngày 16/9/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019) của Quốc hội quy định:

Điều 47. Quy định chung về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này.

4. Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Căn cứ khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):

1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”

Căn cứ các quy định trên:

- Trường hợp tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu thì thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính.

- Trường hợp Nhà thầu nước ngoài thực hiện dịch vụ cung cấp quy trình đào tạo Công nghệ thông tin qua mạng được xác định là hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Cục Thuế trả lời cho Độc giả biết để thực hiện theo đúng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này. Nếu có vấn đề chưa rõ Độc giả liên hệ với Cục Thuế (Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế Thừa Thiên Huế), 64 Tố Hữu thành phố Huế, điện thoại 0234.3829.000 để được hướng dẫn thêm./.

Gửi phản hồi: