Hỏi:
1. Về thực hiện công khai Ngân sách nhà nước đối với ngân sách huyện và cấp xã: Nội dung vướng mắc: Ủy ban nhân dân huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện công khai theo quy định tại Điều 11 và Điều 15 Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện công khai Ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách. Theo đó, không quy định việc công khai các dự toán bổ sung, điều chỉnh thu chi ngân sách. Kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn liên quan các quy định về công khai ngân sách cấp huyện và cấp xã làm cơ sở để tổ chức thực hiện. 2. Quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu: Nội dung vướng mắc: Tại khoản 1, Điều 6, Thông tư số 209/2016/TT-BTC và khoản 1, Điều 6, Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính, trong đó quy định: “Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật” Phòng Quản lý đô thị là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng; kinh phí thường xuyên (chi con người và chi hoạt động) của đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo, đã được bố trí trong dự toán khoán chi khối quản lý hành chính. Vì vậy, nguồn thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng, đơn vị đã nộp toàn bộ số thu vào ngân sách nhà nước và chi phí phục vụ cho hoạt động thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của đơn vị. Khi thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, các chi phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được phê duyệt quyết toán thấp hơn dự toán được duyệt ban đầu, do đó phải thu hồi nộp hoàn trả ngân sách. Hiện nay số phí trên đã được nộp ngân sách huyện, hoàn trả lại nộp ngân sách nhà nước. Do đó, xin Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi của khoản chi chênh lệch quyết toán so với dự toán ban đầu.
02/06/2023
Trả lời:

Theo quy định Điều 11 và Điều 15 của Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách (Thông tư số 343), nội dung công khai ngân sách đối với huyện và xã bao gồm:

1. Công khai dự thảo dự toán ngân sách huyện và phân bổ ngân sách huyện trình HĐND cấp huyện; dự thảo dự toán ngân sách xã và kế hoạch hoạt động tài chính khác ở xã trình HĐND cấp xã.

2. Công khai dự toán ngân sách đã được HĐND cấp huyện/cấp xã quyết định.

3. Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách quý (6 tháng, năm).

4. Công khai quyết toán ngân sách đã được HĐND cấp huyện/cấp xã phê chuẩn.

Như vậy, đúng như ý kiến của độc giả Đoàn Thúy Vy, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn không yêu cầu cấp huyện và cấp xã phải công khai dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách, Thông tư 343 quy định các mẫu biểu công khai tình hình thực hiện ngân sách quý (6 tháng, năm) và công khai quyết toán ngân sách đều có các cột so sánh với dự toán năm (bao gồm dự toán được HĐND quyết định đầu năm và dự toán bổ sung trong năm) để đánh giá tiến độ triển khai thực hiện và mức độ hoàn thành các chỉ tiêu theo dự toán được giao.

Vì vậy, đề nghị UBND huyện Cần Giờ thực hiện công khai và hướng dẫn UBND các xã trên địa bàn thống nhất thực hiện công khai theo quy định của Thông tư 343.

Chúng tôi ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp ý kiến của Quý độc giả và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của Quý độc giả để bổ sung, hoàn thiện các quy định về công khai ngân sách nhà nước.