Hỏi:
Tôi tên Bùi Hữu Tuấn, hiện đang công tác tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia lai. Trong quá trình tham mưu điều hành, quản lý ngân sách địa phương, tôi có vướng mắc như sau:

Tại Khoản 2, Điều 59 Luật ngân sách nhà nước 2015 có quy định: “2. Số tăng thu, trừ tăng thu của ngân sách địa phương do phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách phải nộp về ngân sách cấp trên và số tiết kiệm chi ngân sách so với dự toán được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi;

b) Bổ sung quỹ dự trữ tài chính;

c) Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương;

d) Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội;

đ) Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng;

e) Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Chính phủ lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ủy ban nhân dân lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách cấp mình, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Đối với số tăng thu ngân sách địa phương do có phát sinh nguồn thu mới trong thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 của Luật này.”

Kính đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định số tiết kiệm chi ngân sách theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước 2015 (trường hợp những nhiệm vụ được giao dự toán nhưng chưa thực hiện được trong năm có được xác định là đối tượng để tính tiết kiệm chi hay không?...) và thời gian lập, quyết định phương án sử dụng tiết kiệm chi ngân sách hàng năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước 2015 được quy định như thế nào?

Kính mong Bộ Tài chính quan tâm hướng dẫn để tôi có cơ sở tham mưu thực hiện. 

03/01/2024
Trả lời:

- Theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện, các khoản tiết kiệm chi ở các cấp ngân sách được xác định để trình Thường trực HĐND theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật NSNN là khoản dự toán chi đã được HĐND quyết định chưa phân bổ đến hết ngày 31/12, khoản dự phòng NSĐP chưa chi hết và một số khoản thực hiện chi thấp hơn so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

- Khoản 6 Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ: Kết thúc năm ngân sách, trường hợp có tăng thu và tiết tiệm chi ngân sách,… cơ quan tài chính địa phương trình Ủy ban nhân dân để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số bổ sung dự toán số tăng thu ngân sách; phân bổ, sử dụng tăng thu, số tiết kiệm chi ngân sách theo quy định khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước”.

Như vậy, thời gian lập, quyết định phương án sử dụng tiết kiệm chi ngân sách hằng năm là sau khi kết thúc năm ngân sách (sau ngày 31/12 hằng năm) và trước thời gian quy định cơ quan tài chính thực hiện chi chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau (khoản 7 Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016).