Hỏi:
Tại 7. Điều 7 Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ Tài chính có quy định: Đối với số thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong điều hành các địa phương cần căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế, trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này. Tôi đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn rõ cách thức, hình thức của việc rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện là như thế nào? 1. Thẩm quyền: HĐND hay UBND các cấp. 2. Nếu là HĐND thì điều chỉnh giảm dự toán thu và dự toán chi hay chỉ điều chỉnh giảm dự toán chi. Nếu điều chỉnh giảm dự toán chi thì mất cân đối dự toán thì xử lý như thế nào? Nếu điều chỉnh giảm cả thu, cả chi thì Trung ương không điều chỉnh dự toán giao thu thì địa phương có được phép điều chỉnh không? 3. Nếu là UBND tỉnh trong quá trình điều hành chi căn cứ vào dự toán thu, chỉ đạo cơ quan tài chính nhập dự toán theo tiến độ thu để giải ngân thì có phải ban hành thành QĐ cắt giảm, giãn không? 4. Việc điều chỉnh do không có nguồn thu có phải thực hiện trước ngày 15/11 hằng năm như điều chỉnh dự toán không vì số thu phải đến tháng 12 mới xác định được chính xác việc hụt như thế nào? Nếu thực hiện trước ngày 15/11, mà sau ngày đấy lại thu được thì xử lý như thế nào. Tôi xin cảm ơn.
25/12/2024
Trả lời:

Theo quy định tại Luật NSNN:

- Điểm a, khoản 3 Điều 52: “3. UBND trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán NSĐP và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp sau: “a) Dự kiến số thu không đạt dự toán được HĐND quyết định phải điều chỉnh giảm một số khoản chi; b) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều này; c) Khi cần điều chỉnh dự toán ngân sách của một số đơn vị dự toán hoặc địa phương cấp dưới.”.

- Điều 53: “1. Điều chỉnh dự toán ngân sách đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc trong các trường hợp: a) Do điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định tại Điều 52 của Luật này; b) Cơ quan tài chính yêu cầu đơn vị dự toán cấp I điều chỉnh lại dự toán theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này; c) Đơn vị dự toán cấp I điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị trực thuộc trong phạm vi tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao.

2. Việc điều chỉnh dự toán phải bảo đảm các yêu cầu về phân bổ và giao dự toán quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này. Sau khi thực hiện điều chỉnh dự toán, đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.

3. Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành.

- Khoản 2 Điều 59: “2. Số tăng thu, trừ tăng thu của ngân sách địa phương do phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách phải nộp về ngân sách cấp trên và số tiết kiệm chi ngân sách so với dự toán được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau: a) Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi; b) Bổ sung quỹ dự trữ tài chính; c) Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương; d) Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội; đ) Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng; e) Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Chính phủ lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ủy ban nhân dân lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách cấp mình, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Đối với số tăng thu ngân sách địa phương do có phát sinh nguồn thu mới trong thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 của Luật này”.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc điều chỉnh nhiệm vụ trong trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán thực hiện như sau:

1. Về thẩm quyền: UBND trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán NSĐP và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

2. Về điều chỉnh giảm dự toán thu, chi: Trong trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán được HĐND quyết định, UBND trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán NSĐP giảm một số khoản chi. Căn cứ nghị quyết được Thường trực HĐND thông qua, UBND quyết định điều chỉnh giảm một số khoản chi NSĐP.

Việc điều chỉnh giảm chi NSĐP phải đảm bảo cân đối NSĐP. Đối với những khoản thu có mục tiêu chi cụ thể, trường hợp đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn không đảm bảo được cân đối NSĐP, đề nghị giảm tiếp các khoản chi khác và áp dụng các biện pháp đảm bảo cân đối NSĐP theo quy định như chủ động cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu NSĐP (dự phòng NSĐP, Quỹ dự trữ tài chính,…).

3. Về điều hành của UBND: Căn cứ vào tình hình thực tế trong quá trình điều hành NSĐP tại địa phương, UBND có thể ban hành quyết định điều chỉnh hoặc thông báo/giao kế hoạch vốn đầu tư.

4. Về thời gian điều chỉnh dự toán NSĐP: Thời gian điều chỉnh dự toán NSĐP giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành.

Kết thúc năm ngân sách, trường hợp hụt thu NSĐP so với dự toán hoặc tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách, thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 59 Luật NSNN.