Đôn vị là đơn vị sụ nghiệp công lập nhóm 2 thuộc lĩnh vực y tế. Đơn vị đang có như cầu mua Hệ thống CT scan để phục vụ chuyên môn của bệnh viện từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị với giá dự kiến 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi lập tờ trình xin chủ trương mua sắm thì Sở Kế hoạch đầu tư TP. Cần thơ trả lời: mua sắm, sữa chữa thiết bị y tế phục vụ hoạt động chuyên môn từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp thì phải lập Dự án đầu tư công về đầu tư mua sắm thiết bị, được bổ sung vào kế hoạch trung hạn của đại phương để có quyết định giao vốn thì đơn vị mới thực hiện mua sắm nên khuyên đơn vị mua sắm thiết bị này từ nguồn thu hoạt động thường xuyên của đơn vị như vậy thủ tục mua sắm sẽ được nhanh hơn. Nên giờ hiện tại đơn vị có 2 câu hỏi xin Quý cơ quan giải đáp như sau:
1/ Nếu sử dụng quỹ PTHĐSN để cữa chữa CSVC, mua sắm, sữa chữa trang thiết bị để phục vụ các hoạt động thường xuyên của đơn vị, không hình thành Dự án đầu tư, bất kể giá trị thực hiện lớn hay nhỏ, nhiều hay ít thì đơn vị đều phải lập Dự án đầu tư công để đưa vào kế hoạch trung hạn của địa phương thì khi đó đơn vị mới được thực hiện theo như hướng dẫn của Sở KHĐT đúng không?
2. Trường hợp mua sắm máy móc, thiết bị từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo đề nghị của Sở KHĐT thì đơn vị lại không thể hạch toán kế toán theo quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC (được thay đổi bới Thông tư 24/2024/TT-BTC) quy định chế độ kế toán HCSB vì theo quy định tại thông tư chỉ có hướng dẫn mua sắm tài sản cố định từ nguồn kinh phí NSNN cấp, nhận tài trợ viện trợ, điều chuyển từ đơn vị khác, hình thành từ nguồn quỹ phúc lợi, nguồn quỹ PTHĐSN của đơn vị . Đề nghị Quý cơ quan hướng dẫn hạch toán TSCĐ hình thành từ mua sắm d9au7 vào sử dụng ngay từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Xin chân thành cảm ơn
30/12/2024
Nội dung thư độc giả hỏi về việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để mua sắm trang thiết bị và việc hạch toán TSCĐ được mua từ nguồn hoạt động sự nghiệp của đơn vị, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp
Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
- Tại điểm a khoản 2 Điều 14: “Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; mua bản quyền tác phẩm, chương trình; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có)”
- Tại khoản 3 Điều 14: “Việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, mua sắm, góp vốn liên doanh, liên kết phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.”
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công nhóm 2 sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm tài sản thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP nêu trên.
Các quy định pháp luật về đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, vì vậy, trong trường hợp còn có vướng mắc liên quan đến việc xác định trường hợp phải lập dự án đầu tư công, đề nghị độc giả gửi câu hỏi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
2. Về hạch toán kế toán mua sắm máy móc, thiết bị từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị
* Khi đơn vị mua sắm tài sản cố định từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp trong năm, theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC, Thông tư số 24/2024/TT-BTC (thay thế Thông tư 107/2017/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) đơn vị căn cứ vào hồ sơ, chứng từ kế toán có liên quan đến mua tài sản, hạch toán:
Nợ TK 211,….
Nợ TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112
* Cuối năm, căn cứ vào việc xác định chênh lệch thu, chi theo cơ chế tài chính, đơn vị thực hiện như sau:
(1) Nếu khoản chi mua tài sản cố định đã được tính vào nội dung chi thường xuyên giao tự chủ khi xác định chênh lệch thu, chi theo cơ chế tài chính, (đã trừ giá trị tài sản ra khỏi chênh lệch thu, chi) thì sau khi hạch toán phân phối chênh lệch thu, chi theo hướng dẫn tại chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, số dư trên TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế phản ánh nguồn của tài sản cố định (giá trị còn lại).
(2) Nếu khoản chi mua tài sản cố định chưa được tính vào nội dung chi thường xuyên giao tự chủ khi xác định chênh lệch thu, chi theo cơ chế tài chính (chưa trừ giá trị tài sản ra khỏi chênh lệch thu, chi) thì giá trị tài sản cũng sẽ được phân phối vào quỹ. Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, thì chỉ có Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp được sử dụng để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc,…phục vụ cho hoạt động của đơn vị. Vì vậy, đối với trường hợp này, đơn vị sử dụng tiền từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp trong năm để mua tài sản thì xét về bản chất là sử dụng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Theo đó, khi phân phối chênh lệch thu, chi, đơn vị phải đảm bảo việc cân đối nguồn hình thành tài sản (số chênh lệch thu, chi phân phối vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp phải đảm bảo bù đắp giá trị tài sản đã mua).
Về phương pháp hạch toán, đơn vị căn cứ quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp như sau:
- Trường hợp thực hiện theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC:
+ Khi phân phối chênh lệch thu, chi theo cơ chế tài chính, ghi:
Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
Có các TK 353, 431 (4311, 4312, 4313, 43141).
+ Khi kết chuyển nguồn hình thành tài sản cố định, ghi:
Nợ TK 431- Các quỹ (43141)
Có TK 431- Các quỹ (43142).
- Trường hợp thực hiện theo Thông tư số 24/2024/TT-BTC:
+ Khi phân phối chênh lệch thu, chi theo cơ chế tài chính, ghi:
Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
Có TK 431- Các quỹ thuộc đơn vị (4311, 4318).
+ Kết chuyển nguồn hình thành tài sản cố định, ghi:
Nợ TK 431- Các quỹ thuộc đơn vị (4311)
Có TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế.
Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.