Hỏi:
Tôi có 1 câu hỏi xin được hỏi BTC như sau: Đơn vị tôi là đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2017 đến nay. Năm 2024 khi được cơ quan bảo hiểm xã hội có Thông báo thanh quyết toán bổ sung chi phí liên quan đến định mức kỹ thuật đồng thời là chi phí vượt trần đa tuyến của năm 2016 và chi phí liên quan đến định mức kỹ thuật đồng thời là chi phí trong trần đa tuyến của năm 2018 số tiền 4,4 tỷ thì tôi hạch toán vào năm 2024 như nào cho đúng? * Phương án 1. Hiện tôi đang coi số quyết toán bổ sung này như nguồn thu sự nghiệp hợp pháp trong năm 2024 và hạch toán vào Doanh thu năm 2024 sử dụng để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị trong năm. Cuối năm sau khi xác định KQKD, DT - CP = Thặng dư thì tôi mới trích lập các quỹ theo QCCTNB thì có đúng không? * Phương án 2: Coi số 4,4 tỷ này như khoản thặng dư của năm trước chính là số thặng dư trong năm 2024 và Hạch toán trích lập các quỹ áp dụng theo Quy chế CTNB của năm 2024 toàn bộ số 4,4 tỷ và không được phép sử dụng số 4,4 tỷ này để chi hoạt động thường xuyên. => Vậy đơn vị theo phương án 1 hay 2 là đúng? vì hiện nay theo tìm hiểu tôi cũng không thấy có VĂN BẢN nào quy định các khoản quyết toán bổ sung của các năm trước được trả vào năm sau thì không được coi là doanh thu trong năm và sử dụng để chi thường xuyên mà bắt buộc phải coi đó là thặng dư và chỉ được sử dụng trích lập các quỹ và sử dụng các quỹ. Như đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên phải tự đảm bảo hoạt động của toàn đơn vị không được NSNN hỗ trợ, trong năm 2024 với mức lương cơ sở tăng từ 01/7/2024 trong khi giá dịch vụ chưa tăng cũng là một thách thức, khó khăn cho các đơn vị tự chủ. Do đó đơn vị phải tự cân đối các nguồn thu sao cho đảm bảo chi hoạt động thường xuyên trong năm, cuối năm xác định KQKD có thặng dư mới trích lập và sử dụng các quỹ theo quy định. Đây là vướng mắc đang rất gấp của đơn vị và kính mong nhận được sự tư vấn, giải đáp của BTC. Xin chân thành cảm ơn !.
18/09/2024
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi liên quan đến việc hạch toán khi nhận khoản thanh toán bổ sung của cơ quan bảo hiểm xã hội liên quan đến các khoản chi phí từ các năm trước. Về vấn đề này Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Theo nội dung câu hỏi, đơn vị của độc giả là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2), có hoạt động khám chữa bệnh (KCB) và nhận khoản chi trả tiền KCB bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính và thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021.

2. Về việc hạch toán theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC:

2.1. Nguyên tắc kế toán tài khoản (TK) loại 5 tại phụ lục số 02 Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định: “2. Đơn vị phải phản ánh vào báo cáo toàn bộ các khoản thu và doanh thu tương ứng với số chi phí phát sinh tại đơn vị trên cơ sở dồn tích...”

Nguyên tắc kế toán TK 531 “Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ” tại phụ lục số 02 Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định: “1.3. Doanh thu được ghi nhận vào TK này là các khoản doanh thu bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ khi các khoản doanh thu đó được xác định một cách tương đối chắc chắn....”.

Căn cứ nguyên tắc nêu trên, đối với chi phí KCB bảo hiểm y tế phát sinh, trường hợp xác định cơ quan BHXH chắc chắn sẽ chi trả, đơn vị có thể hạch toán khoản doanh thu tương ứng trên cơ sở dồn tích (không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền).

2.2. Câu hỏi của độc giả chưa có thông tin cụ thể về nội dung đã hạch toán liên quan đến các khoản này, vì vậy đề nghị lưu ý một số trường hợp sau:

a) Nếu các năm trước, đơn vị đã hạch toán doanh thu trên cơ sở chi phí bỏ ra khi xác định chắc chắn được cơ quan BHXH thanh toán (trong đó bao gồm cả phần liên quan đến các chi phí phát sinh trong năm nhưng dự kiến được cơ quan BHXH thanh toán vào các năm sau); cụ thể các năm trước đơn vị đã ghi nhận bút toán:

Nợ TK 131- Phải thu khách hàng (chi tiết cơ quan BHXH)

Có TK 531- Doanh thu hoạt động SXKD, dịch vụ

Đến năm 2024, khi nhận kinh phí cơ quan BHXH chi trả liên quan đến khoản đã ghi nhận phải thu, đơn vị hạch toán:

Nợ TK 111, 112

Có TK 131- Phải thu khách hàng (chi tiết cơ quan BHXH)

b) Nếu trong các năm trước, đơn vị chưa hạch toán doanh thu liên quan đến số chi phí KCB bảo hiểm y tế đã phát sinh (phần liên quan đến chi phí phát sinh nhưng các năm trước đơn vị chưa xác định chắc chắn sẽ được cơ quan BHXH thanh toán): Đến năm 2024 khi nhận kinh phí cơ quan BHXH chi trả, đơn vị ghi nhận vào doanh thu năm 2024.

3. Việc xác định chênh lệch thu chi để trích lập các quỹ, sử dụng kinh phí cho các hoạt động, đơn vị thực hiện theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.

Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.