![]() |
Hỏi: |
Trả lời phiếu câu hỏi số 060420-12, Cục QLKT có ý kiến như sau:
Tại Điều 8 Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất về xác định công ty mẹ quy định:
“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này mà không chỉ xét tới hình thức pháp lý, hay tên gọi của công ty đó. Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở Công ty con. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ quyền biểu quyết theo giấy đăng ký kinh doanh và tỷ lệ quyền biểu quyết tính trên cơ sở vốn thực góp thì quyền biểu quyết được xác định theo điều lệ doanh nghiệp hoặc theo sự thống nhất giữa các bên;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;
c) Có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;
d) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con;
đ) Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;
e) Có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận.
2. Khi xác định quyền kiểm soát của công ty mẹ, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải xem xét quyền biểu quyết tiềm năng phát sinh từ các quyền chọn mua hoặc các công cụ nợ và công cụ vốn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại. Nếu các công cụ nợ và công cụ vốn nêu trên không được phép chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại, ví dụ không thể chuyển đổi trước một thời điểm nào đó trong tương lai hoặc cho đến khi một sự kiện trong tương lai xảy ra thì không được sử dụng để xác định quyền kiểm soát”.
Tại điểm b khoản 1 Điều 41 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính quy định “Trường hợp nhà đầu tư tạm thời nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết tại đơn vị nhưng không dự định thực thi quyền biểu quyết do mục đích đầu tư là mua – bán công cụ vốn để kiếm lời (nắm giữ khoản đầu tư vì mục đích thương mại và quyền kiểm soát chỉ là tạm thời) thì không hạch toán khoản đầu tư vào tài khoản này mà hạch toán là đầu tư ngắn hạn”.
Theo mô tả của Quý độc giả, Công ty A góp 49% vốn tại Công ty B, Ông Nguyễn Văn Tuấn góp 20% số vốn tại công ty B đồng thời Ông Tuấn ủy quyền 20% số vốn góp của mình cho Công ty A toàn quyền quyết định trong nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, mô tả của Quý độc giả chưa nêu rõ là sau nhiệm kỳ 5 năm, ông Tuấn có tiếp tục ủy quyền biểu quyết ổn định và lâu dài cho công ty A hay không cũng như sau khi được nhận ủy quyền của ông Tuấn, Công ty A có nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở Công ty B hay không.
Vì vậy, đề nghị Quý độc giả căn cứ vào quy định nêu trên và thực tế của đơn vị để xác định công ty A có phải là mẹ của công ty B hay không. Trường hợp Công ty A được xác định là công ty mẹ của công ty B, việc hợp nhất báo cáo tài chính được thực hiện theo quy định tại Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất.
Trên đây là ý kiến của Cục QLKT, kính chuyển Quý Ban trả lời Độc giả theo quy định./.