Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, tôi rất mong Bộ Tài chính tư vấn trả lời giúp đơn vị nội dung như sau: - Đơn vị của tôi là đơn vị sự nghiệp công lập có thu đang áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư24/2024/TT-BTC trong quá trình hoạt động có phát sinh các khoản thu kho đòi. Vậy xin hỏi Bộ Tài chính đơn vị tôi phải xử lý khoản thu khó đòi như thế nào. Thông tư 24/2024/TT-BTC có được phép cho đơn vị xử lý khoản thu khó đòi này không . Xin chân thành cảm ơn
04/04/2025
Trả lời:

 Nội dung câu hỏi độc giả liên quan đến việc xử lý khoản phải thu khó đòi đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Cục QLKT trả lời nội dung câu hỏi của độc giả như sau:

(1) Về trích lập dự phòng phải thu khó đòi

          Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi như sau:

           - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2: Khoản 5 Điều 11 Mục 1 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định “Trích lập các khoản dự phòng theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).”

          - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3: Khoản 5 Điều 16 Mục 1 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định “Trích lập các khoản dự phòng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết và dịch vụ khác theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).”

          Căn cứ loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, các quy định về trích lập dự phòng phải thu khó đòi tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, Thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp và Thông tư 24/2022/TT-BTC ngày 07/4/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 48/2019/TT-BTC, đơn vị sự nghiệp công lập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

(2) Về hạch toán xử lý nợ phải thu khó đòi 

          Phụ lục I - Hệ thống tài khoản kế toán và hướng dẫn hạch toán kế toán ban hành kèm theo Thông tư số 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định về việc trích lập và xử lý khoản nợ phải thu khó đòi khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền như sau:

          “a) Tại thời điểm khóa sổ kế toán để lập Báo cáo tài chính năm, căn cứ các khoản nợ phải thu được phân loại là nợ phải thu khó đòi thuộc đối tượng được trích lập dự phòng:

           - Thực hiện trích lập dự phòng hoặc trích lập bổ sung phần chênh lệch trong trường hợp đơn vị đã trích lập mà số dự phòng phải thu khó đòi cần trích lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết, ghi:

        Nợ TK 642 - Chi phí quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ

                Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292).

          - Nếu số dự phòng nợ phải thu khó đòi cần trích lập ở kỳ kế toán này  nhỏ hơn số dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết, kế toàn hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:

        Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292)

               Có TK 642 - Chi phí quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

          b) Đối với các khoản nợ phải thu khó đòi xác định là không thể thu hồi được, khi có quyết định xóa nợ của cấp có thẩm quyền, ghi:

          Nợ các TK 111, 112, 331, 334,...(phần tổ chức cá nhân phải bồi thường)

          Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292) (phần đã lập dự phòng)

          Nợ TK 642 - Chi phí quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ  

                             (phần được tính vào chi phí nếu dự phòng không đủ bù đắp)

                   Có các TK 131, 138,...”

          Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện theo quy định pháp luật./.