Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi hiện đang công tác tại một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế. Tôi có một số vướng mắc trong hạch toán theo Thông tư số 24/2024/TT-BTC về chế độ kế toán HCSN, mong muốn được giải đáp như sau: 1. Theo Nguyên tắc kế toán của tài khoản 642: - Mục 1.1 có ghi: Tài khoản 642 dùng để phản ánh các chi phí quản lý đối với hoạt động SXKDDV bao gồm tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của người lao động.... - Mục 1.2 có ghi: "Không hạch toán vào tài khoản này các chi phí liên quan trực tiếp đến giá thành sản phẩm, dịch vụ.." 2. Theo quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện nay thì kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm cả chi phí về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của bộ phận quản lý. Như vậy, tôi muốn hỏi là chi phí về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của bộ phận quản lý khi hạch toán theo Thông tư 24 thì hạch toán vào tài khoản 642 hay tài khoản 154?
04/04/2025
Trả lời:

 Nội dung thư độc giả hỏi về hạch toán liên quan đến hạch toán tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của bộ phận quản lý theo Thông tư 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Tại Phụ lục I Thông tư 24/2024/TT-BTC quy định:

 Nguyên tắc kế toán Tài khoản 154- Chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ dở dang (TK 154):

1.1. Tài khoản này sử dụng để phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở đơn vị kế toán có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

….

1.3. Chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ phản ánh trên tài khoản này gồm những chi phí sau:

- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

- Chi phí nhân công trực tiếp của bộ phận sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

- Chi phí sản xuất chung (trừ chi phí sản xuất chung không được phân bổ).

Nguyên tắc kế toán Tài khoản 642- Chi phí quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ (TK 642):

“1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh các chi phí quản lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong kỳ của đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị khác có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bao gồm:

a) Các chi phí của bộ phận thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động chung của đơn vị như chi phí về lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của người lao động;….

….

1.2. Không hạch toán vào tài khoản này các chi phí liên quan trực tiếp đến giá thành sản phẩm, dịch vụ; chi phí tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của người lao động thuộc các bộ phận trực tiếp sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chi phí khấu hao TSCĐ của bộ phận trực tiếp sản xuất kinh doanh, dịch vụ.”

- Tại khoản 2 Điều 110 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định:

Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí sau đây:

a) Chi phí nhân công bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định;

b) Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác;

c) Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định;

d) Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.”

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp trong thư hỏi của độc giả, các chi phí liên quan trực tiếp đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tập hợp trên TK 154 phục vụ cho việc tính giá thành sản xuất dịch vụ. Các chi phí khác liên quan đến quá trình cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tập hợp vào các tài khoản liên quan như TK 642- Chi phí quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ,… phục vụ cho việc tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, chi phí về tiền lương, BHXH, BHYT, KPCĐ của bộ phận quản lý hạch toán vào TK 642.

Trên đây là câu trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện đúng quy định./.