Hỏi:
Tôi làm kế toán của trường THPT. Kính gửi quý cơ quan câu hỏi về nguồn kinh phí cải cách tiền lương: - Theo Thông tư 76/2023-TT/BTC quy định: Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo chế độ quy định) - Theo Nghị định 73/2024-NĐ-CP quy định: Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. - Theo Thông tư số 62/2024-TT-BTC quy định: Phạm vi trích số thu được để lại theo chế độ quy định thực hiện như sau: Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định). Hiện tại, cơ quan chủ quản đang hướng dẫn tôi tính cái cách tiền lương để lại từ phần thu học phí như sau: Nguồn CCTL để lại = 40% x ( tổng thu - (thuế + chi phí trực tiếp liên quan đến việc thu phí (như chi phí mua hóa đơn điện tử, không trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy của trường như điện nước, văn phòng phẩm, sửa chữa...)) Xin hỏi cơ quan chủ quản hướng dẫn như trên có chính xác không?
14/02/2025
Trả lời:

- Tại điểm e khoản 2 Điều 5 Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định các đơn vị: “sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%”.

- Tại điểm e khoản 4 Điều 4 Thông tư 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024 và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 62/2024/TT-BTC ngày 20/8/2024 hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định:

“Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

+ Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

+ Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập: Sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ (như: chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... và chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá).

+ Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo chế độ quy định);”

Do vậy, về việc xác định nguồn thu và các khoản chi để tính nguồn kinh phí CCTL để lại từ phần thu học phí, đề nghị độc giả căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện trích đảm bảo đúng quy định.