Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính Đơn vị chúng tôi là Nhà phân phối – sản phẩm Sữa. Tổng Công ty Sữa để thực hiện các chương trình khuyến mãi (theo quy đinh của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại) dành cho khách hàng. Nhà phân phối là trung gian, sẽ nhận tiền hỗ trợ này để thực hiện dịch vụ thay cho Tổng công ty. Khi Nhà phân phối nhận tiền hỗ trợ sẽ lập hóa đơn và kê khai tính thuế GTGT. Sau đó, Nhà phân phối sẽ chi lại khoản tiền hỗ trợ này cho khách hàng bằng cách: - Khi bán hàng xuất hóa đơn, nếu đạt đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, Nhà phân phối sẽ xuất đồng thời số lượng hàng hóa và phần hỗ trợ được hưởng kèm theo trên cùng 1 tờ hóa đơn. - Với trường hợp, đến cuối chương trình (kỳ), khách hàng mới đạt được đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, Nhà phân phối sẽ xuất riêng 1 tờ hóa đơn điều chỉnh mang Tính chất Chiết khấu thương mại (*cần hướng dẫn) Đơn vị chúng tôi, đang thực hiện kê khai báo cáo thuế cho trường hợp (*) nêu trên, là kê khai Âm tiền hàng và tiền thuế GTGT đầu ra. Nhưng dữ liệu xuất từ hệ thống https://hoadondientu.gdt.gov.vn/ là số Dương. Dẫn đến chênh lệch số liệu khai báo thuế ở trường hợp này. Câu hỏi: - Lập hóa đơn và kê khai cho trường hợp (*) với tính chất Chiết khấu thương mại nêu trên đã đúng với quy định? Và những khoản hỗ trợ trên cần lưu ý? - Dữ liệu xuất ra từ hệ thống https://hoadondientu.gdt.gov.vn cho trường hợp (*) nêu trên là số Âm hay Dương? Trân trọng cảm ơn!
12/12/2024
Trả lời:

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử lý hóa đơn có sai sót;

 Căn cứ điểm e Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định về xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp như sau:

“e) Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.”

Căn cứ Khoản 22 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định như sau:

“22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.”

Căn cứ các quy định nêu trên, theo nội dung trình bày tại văn bản, Cục Thuế trả lời về nguyên tắc cho Độc giả như sau:

Trường hợp Độc giả thực hiện lập hoá đơn chiết khấu thương mại cho khách hàng theo quy định tại Khoản 22 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì khi lập hoá đơn, Độc giả lập hoá đơn mang dấu dương (+), không lập hoá đơn mang dấu âm (-) do không thuộc trường hợp xử lý hoá đơn sai sót theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Đề nghị Độc giả căn cứ thực tế tình hình lập hoá đơn chiết khấu thương mại cho khách hàng, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo quy định.

Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời cho Độc giả biết để thực hiện./.