Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, tôi hiện tại đang làm việc tại văn phòng công chứng trong quá trình làm việc thấy có phát sinh vướng mắc trong việc thu phí công chứng như sau: - Trường hợp 1: Tại khoản 2, Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC “Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản: Tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay”. Nhưng hiện nay có nhiều hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được soạn thảo theo mẫu của các tổ chức tín dụng. Trong hợp đồng thế chấp ghi giá trị tài sản thế chấp nhưng không ghi rõ nghĩa vụ được đảm bảo. Trong hợp đồng thế chấp tại mục nghĩa vụ được đảm bảo ghi như sau: Đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi chậm trả, các khoản chi phí và phát sinh khác liên quan của người có nghĩa vụ được bảo đảm tại các hợp đồng tín dụng và các phụ lục, văn bản bổ sung, sửa đổi đã ký kết giữa người có nghĩa vụ được bảo đảm và nhận thế chấp cụ thể: - Hợp đồng tín dụng số:……… ký ngày …/…/….. bao gồm cả các phụ lục, văn bản bổ sung, sửa đổi.” Khi đến công chứng khách hàng có cung cấp cho văn phòng hợp đồng tín dụng đã được nêu trong hợp đồng thế chấp – hợp đồng tín dụng công chứng viên không công chứng vào hợp đồng, khoản vay trong hợp đồng tín dụng thấp hơn giá trị tài sản đảm bảo. Vậy trường hợp như trên phí công chứng của khách hàng sẽ thu theo quy định nào? - Trường hợp 2: Trong hợp đồng thế chấp tại mục nghĩa vụ được đảm bảo ghi như sau: Đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi chậm trả, các khoản chi phí và phát sinh khác liên quan của người có nghĩa vụ được bảo đảm tại các hợp đồng tín dụng và các phụ lục, văn bản bổ sung, sửa đổi đã ký kết giữa người có nghĩa vụ được bảo đảm và nhận thế chấp cụ thể: - Hợp đồng tín dụng số:……… ký ngày …/…/….. bao gồm cả các phụ lục, văn bản bổ sung, sửa đổi. Số tiền cấp tín dụng là: …………VNĐ” Khi đến công chứng khách hàng có cung cấp cho văn phòng hợp đồng tín dụng đã được nêu trong hợp đồng thế chấp – hợp đồng tín dụng công chứng viên không công chứng vào hợp đồng, khoản vay trong hợp đồng tín dụng cao hơn giá trị tài sản đảm bảo, do hợp đồng tín dụng của khách hàng ký được đảm bảo bởi 05 tài sản khác nhau trong đó chỉ có một tài sản được công chứng trên hợp đồng thế chấp tại Bắc Giang, những tài sản khác được công chứng tại tỉnh khác. Hợp đồng thế chấp có thể hiện nội dung như sau: Giá trị tài sản bảo đảm là: 3.116.250.000đồng( Ba tỷ một trăm mười sáu triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng). Tại mục Nghĩa vụ được đảm bảo hợp đồng thế chấp thể hiện như sau: “Nghĩa vụ được bảo đảm: theo hợp đồng tín dụng số:……… ký ngày …/…/….. bao gồm cả các phụ lục, văn bản bổ sung, sửa đổi. Số tiền cấp tín dụng là 20.000.000.000 đồng( Hai mươi tỷ đồng)”. Vậy trường hợp như trên phí công chứng của khách hàng sẽ thu theo quy định nào?
20/12/2024
Trả lời:

Trả lời phản ánh, kiến nghị của ông Nguyễn Đức Mạnh (từ Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính) về phí công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Tại Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí quy định phí công chứng thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

- Tại khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí quy định: “4…kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý”.

Căn cứ quy định nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 111/2017/TT-BTC ngày 20/10/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 257/2016/TT-BTC).

- Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định: “2. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:…

a6) Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản: Tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay”.

Như vậy, Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định mức phí công chứng đối với hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản tính theo giá trị tài sản hoặc giá trị khoản vay. Các quy định về hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản để công chứng được quy định cụ thể tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật dân sự về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, vướng mắc về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản đề nghị độc giả gửi câu hỏi đến Bộ Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể.

Bộ Tài chính trả lời để độc giả Nguyễn Đức Mạnh được biết./.