Hỏi:
Trình bày sự việc: Tôi đã có mã số thuế thu nhập cá nhân (MST) tại quận Hai Bà Trưng-loại 10 chữ số Ngoài ra có 2 MST vãng lai khác, 1 cái tại Q1 HCM do có phát sinh thu nhập từ việc cho thuê nhà (kê khai và đóng thuế hàng tháng) và 1 MST vãng lai khác tại quận Hải Châu, TP Đà nẵng kê khai và đóng thuế theo năm. Hiện nay nhà tại Quận Hai Bà Trưng không cho thuê nữa và tôi có thông báo chấm dứt Hợp Đồng thuê nhà từ ngày 17/6/2024 cho chi cục thuế Hai Bà Trưng nhưng Chi cục thuế Hai Bà Trưng lại yêu cầu tôi đóng MST do không còn kinh doanh. Tuy nhiên họ tư vấn là để đóng được MST chính ở Hà Nội thì cần đóng 2 MST vãng lai trước rồi mới đóng MST chính ở Hà Nội, sau đó mở MST lại ở đâu thì tùy. Lưu ý trường hợp của tôi là đã đóng thuế đầy đủ không nợ/thiếu thuế tuy nhiên do hệ thống có thể chưa hoàn chỉnh nên việc đối chiếu kiểm tra số liệu có thể sẽ gặp khi nhiều khoản đóng thuể từ lâu nhưng chưa được ghi nhận. Hiện tôi gửi thông báo dừng kinh doanh tại bộ phận một cửa và cán bộ thuế phụ trách của tôi tại chi cục thuế quận Hai Bà Trưng nhưng không được tiếp nhận và họ giải thích phải kiểm tra thừa thiếu trước rồi sau khi đóng mã số thuế xong thì nộp mẫu 24 điện tử là xong. Câu hỏi của tôi: 1) Trường hợp của tôi như vậy thì liệu việc đóng MST ở quận Hai Bà Trưng có thực hiện được không và có đúng luật khi mà tôi còn hai mã số thuế vãng lai tại hai địa điểm khác? Tôi rất quan ngại việc đóng hai mã số vãng lai theo tư vấn rồi tiếp tục đóng mã số thuế tại quận Hai Bà Trưng gặp trờ ngại kéo dài thời gian ảnh hưởng đến việc khôi phục hai mã số vãng lai tại HCM và Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của tôi. 2) Hiện tôi gửi thông báo dừng kinh doanh tại bộ phận một cửa và cán bộ thuế phụ trách của tôi tại chi cục thuế quận Hai Bà Trưng nhưng không được tiếp nhận và họ giải thích phải kiểm tra đối chiếu các khoản thuế để đóng các mã số thuế rồi sau khi đóng mã số thuế xong thì nộp mẫu 24 điện tử là xong. Xin vui lòng cho biết như vậy có đúng không hay tôi phải làm gì để tuân thủ đúng luật pháp. Trân trọng cám ơn.
15/07/2024
Trả lời:

Tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 39 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:

“2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;

3. Nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế được quy định như sau:

a) Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực;

b) Mã số thuế của tổ chức khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này;

c) Mã số thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó;

d) Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay;”

Tại Khoản 2, Điều 15 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12 /2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế:

“2. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 4 Thông tư này:

- Người nộp thuế nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn nếu có sử dụng hoá đơn;

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 60, 67, 69, 70, 71 Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế.

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) theo quy định tại Điều 43, 44, 47, 60, 67, 68, 70, 71 Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.”

Căn cứ các quy định nêu trên, ông Trần Ngọc Sơn đề nghị chấm dứt hiệu lực MST 10 số thuộc Chi cục thuế quận Hai Bà Trưng quản lý do không còn kinh doanh (cho thuê nhà) tại quận Hai Bà Trưng thì không được sử dụng 02 MST vãng lai, đồng thời phải hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa (nếu có). Để chấm dứt hiệu lực MST 10 số thuộc Chi cục thuế quận Hai Bà Trưng quản lý, ông Trần Ngọc Sơn phải hoàn thành nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế và chấm dứt hiệu lực MST vãng lai tại Cơ quan thuế quản lý MST vãng lai.

Đối với ý kiến của ông Trần Ngọc Sơn theo nội dung hỏi, Chi cục thuế quận Hai Bà Trưng ghi nhận và có ý kiến đóng góp khi tham gia Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 105/2020/TT-BTC. Hiện nay, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 105/2020/TT-BTC đã có sửa đổi nội dung này, cụ thể: Mã số địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cấp chotừng địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Mã số này không phải là mã số thuế.

 Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc đề nghị Công ty liên hệ với Đội thuế Liên phường số 1 để được hướng dẫn.

Chi cục thuế Quận Hai Bà Trưng trả lời để ông Trần Ngọc Sơn được biết và thực hiện./.