Đề xuất tăng định mức phân bổ chi thường xuyên đáp ứng thực tiễn

Đề xuất tăng định mức phân bổ chi thường xuyên đáp ứng thực tiễn 26/02/2025 14:26:00 183

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đề xuất tăng định mức phân bổ chi thường xuyên đáp ứng thực tiễn

26/02/2025 14:26:00

(TBTCO) - Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương xung quanh phương án xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026. Theo đó, đề xuất tăng định mức phân bổ chi thường xuyên cho phù hợp thực tiễn. Nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành dưới hình thức một nghị quyết.

Tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước rõ ràng, dễ tính toán, công khai, minh bạch. Ảnh tư liệu

Định mức chi đảm bảo theo thực tế

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2026 là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026. Điều này giúp xác định tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, cũng như số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có).

Dựa trên nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương năm 2026 để trình hội đồng nhân dân quyết định, làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương.

Các cơ chế, chính sách đề xuất đối với nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2026 của các bộ, cơ quan trung ương được Bộ Tài chính xây dựng trên nguyên tắc kế thừa từ giai đoạn trước, bao gồm định mức phân bổ cho lĩnh vực quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể và các lĩnh vực sự nghiệp.

Dựa trên đánh giá thực hiện định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022 theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQ15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từ thực tiễn công tác quản lý, Bộ Tài chính nhận thấy, cần điều chỉnh tăng một phần định mức phân bổ chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể để đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Đối với các lĩnh vực sự nghiệp như an ninh quốc phòng và các lĩnh vực còn lại, tiếp tục thực hiện theo định mức năm 2022.

Đối với các địa phương, định mức phân bổ sẽ tiếp tục quy định đối với 13 lĩnh vực chi theo Luật NSNN, chủ yếu dựa trên tiêu chí dân số và sửa đổi một số tiêu chí bổ sung để phù hợp với từng lĩnh vực. Đồng thời, đảm bảo toàn bộ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành và đủ mức tiền lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Định mức chi để xác định tổng chi thường xuyên sẽ do Quốc hội quyết định cho các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ. Các địa phương sẽ dựa vào tổng mức chi này để xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương nếu thấp hơn dự toán năm 2025 đã được Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao, sẽ được hỗ trợ để không thấp hơn.

Cần thiết tăng một phần định mức chi thường xuyên

Từ các mục tiêu như trên, cơ quan soạn thảo đã xác định những vấn đề bất cập để đưa ra giải pháp và đánh giá tác động của chính sách.

Trước tiên là về việc điều chỉnh định mức phân bổ chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể. Bộ Tài chính cho hay, định mức phân bổ chi thường xuyên hiện tại được xây dựng trên nền tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp khi tiền lương cơ sở tăng lên mức 2,34 triệu đồng/tháng và nhiều yếu tố chi phí khác cũng tăng. Điều này gây khó khăn cho các bộ, cơ quan trung ương trong việc cân đối kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh tăng một phần định mức chi thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối NSNN.

Bộ Tài chính đưa ra hai giải pháp, hoặc là nguyên mức phân bổ hiện tại theo Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 hoặc điều chỉnh tăng một phần định mức phân bổ chi thường xuyên để hỗ trợ các bộ, cơ quan trung ương đảm bảo kinh phí hoạt động. Đánh giá tác động cho thấy, giải pháp điều chỉnh tăng sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhưng cũng phát sinh nhu cầu tăng chi NSNN, ước tính cần tăng thêm khoảng 3.530 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá các tác động, Bộ Tài chính trình Chính phủ lựa chọn giải pháp điều chỉnh tăng một phần định mức phân bổ chi thường xuyên.

Đối với các lĩnh vực sự nghiệp, định mức phân bổ năm 2026 sẽ kế thừa từ năm 2022 và không tăng chi NSNN.

Đối với địa phương, việc đánh giá tác động dựa trên nhóm tiêu chí phân bổ theo dân số. Do tiền lương cơ sở đã tăng, cần xem xét điều chỉnh tiêu chí phân bổ để phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá. Các giải pháp đề xuất bao gồm: giữ nguyên định mức phân bổ năm 2022 hoặc nâng định mức phân bổ theo dân số lên 1,3 lần so với năm 2022.

Đánh giá tác động cho thấy, giải pháp thứ hai đáp ứng cơ bản nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch và ưu tiên nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ việc đánh giá các tác động, kiến nghị lựa chọn giải pháp nâng định mức phân bổ theo dân số lên 1,3 lần so với năm 2022 và thẩm quyền ban hành chính sách thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Minh Anh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%