(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Theo đó, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn này đã được các địa phương đưa ra thực hiện, với quyết tâm đạt tỷ lệ ở mức cao nhất.

Với tinh thần quyết liệt, các địa phương tập trung nguồn lực để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh tư liệu
Luật Đầu tư công - đòn bẩy giúp hấp thụ vốn nhanh
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) trong nhiều năm qua đã có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn chỉ dừng ở mốc xấp xỉ mục tiêu đặt ra, chưa có sự bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng ĐTC là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Có 3 rào cản lớn nhất tồn tại nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đó là: giải phóng mặt bằng chậm trễ; thủ tục hành chính phức tạp và kéo dài; nguồn cung nguyên vật liệu hạn chế. Đây là những nguyên nhân làm đình trệ nhiều dự án, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, làm giảm tính hiệu quả trong phê duyệt và giải ngân vốn.
Ngoài ra, theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, thực tế việc thực hiện ĐTC giai đoạn vừa qua vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là thể chế, chính sách liên quan trực tiếp đến việc hình thành và triển khai dự án ĐTC còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…
Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 với hàng loạt các chính sách mới được coi là đòn bẩy giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch ĐTC, đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
Đơn cử như Luật đã cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C). Đồng thời, quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, Luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp, các ngành trong triển khai, bảo đảm nguyên tắc cấp nào quản lý dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện.
Hành động quyết liệt ngay từ đầu năm
Thực hiện Luật Đầu tư công và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xác định giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Ngay từ khâu lập kế hoạch, các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo phân bổ vốn phù hợp với tiến độ thực hiện của từng dự án.
Đơn cử như tỉnh Nam Định, trong năm 2025, tỉnh đã đưa ra khỏi danh mục các dự án vướng mắc kéo dài trong giải phóng mặt bằng và ưu tiên vốn cho 7 dự án trọng điểm của tỉnh. Để giải ngân nhanh, tỉnh Nam Định đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; xử lý triệt để các vướng mắc trong thủ tục hành chính để thi công các dự án được sớm nhất.
Còn tại Ninh Bình, kế hoạch ĐTC của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2025 là 9.755 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2024. Đây là nguồn lực rất lớn để Ninh Bình tăng trưởng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, đến nay, tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao và tính đến hết tháng 01/2025 vừa qua, toàn tỉnh đã giải ngân được 476,9 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặt mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2025 tối thiểu đạt 95%, ngay từ đầu năm, tỉnh Ninh Bình cũng kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, chưa thực sự cần thiết để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, có tiến độ giải ngân nhanh.
Là điểm sáng về giải ngân vốn ĐTC năm 2024, Thanh Hóa đang tiếp tục nỗ lực để tiếp tục làm tốt công tác này trong năm 2025. Theo đó, để giải ngân vốn ĐTC năm 2025 đạt hiệu quả cao, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu cụ thể về tiến độ giải ngân cho năm 2025. Theo đó, đến ngày 30/6 phải giải ngân ít nhất 50% kế hoạch vốn được giao; đến 30/9 đạt ít nhất 70%; đến 30/11 đạt ít nhất 90% và hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao trước ngày 31/12.
Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đến từng tháng. Các huyện phải thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Đáng chú ý, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra yêu cầu với những chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2025 sẽ không được xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và không được đề xuất khen thưởng.
Để tạo tiền đề đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, ngay từ những tháng đầu năm này, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu thực hiện nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện và giải ngân vốn ĐTC.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, chủ đầu tư kịp thời rà soát, tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 của các dự án giải ngân chậm, không còn nhu cầu sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn trước ngày 31/10/2025. Không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối quý, cuối năm.
Vân Hà