(TBTCO) - Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6,5 - 7% và đang phấn đấu đạt mức cao hơn 7%. Với bức tranh kinh tế sáng, hiện Việt Nam đang trở thành điểm đến trong tương lai của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh
Triển vọng tích cực trong năm nay là một lợi thế
Tăng trưởng dài hạn của Việt Nam rất tích cực, đặc biệt là so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nhận định của báo chí và các chuyên gia quốc tế. Hiện Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến trong tương lai của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Năm 2024, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 6,5 và mục tiêu cao hơn là 7%. Kịch bản tăng trưởng như trên được cho là phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội. Kinh tế trong nước mặc dù vẫn đang chịu những tác động từ những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, cũng như những vấn đề nội tại đã tích tụ từ lâu, khó có thể cải thiện ngay trong ngắn hạn, những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn tìm được “lối ra” trong khó khăn. Việc đảm bảo mức tăng trưởng ổn định ở mức cao trong năm nay sẽ tạo đà, tạo lợi thế cho việc thực hiện các kế hoạch trong năm tới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ.
Trong năm 2025, có 2 kịch bản vừa được đưa ra, trong đó kịch bản thấp là GDP tăng khoảng 6,5 - 7% và ở kịch bản tham vọng hơn là khoảng 7 - 7,5%. Dù ở kịch bản nào thì những con số được đưa ra nhìn chung là tích cực. Các dự báo gần đây của các định chế quốc tế đều cho rằng, năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn năm 2024. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay, sau đó tăng lên 6,2% trong năm 2025.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB của Việt Nam cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại, cũng như khu vực sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài đã mang lại nhiều tín hiệu sáng cho kinh tế Việt Nam. Hay như dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% trong hai năm 2025-2026. WB cũng đánh giá cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng
Trong nhiệm kỳ 2021-2025, kinh tế Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, sau đó là biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng... Do đó, tăng trưởng GDP của 3 năm 2021-2023 lần lượt đạt mức 2,58%; 8,12% và 5,05%. Năm 2024, dự kiến đạt 6,8 - 7%, phấn đấu đạt cao hơn. Còn năm 2025, mục tiêu dự kiến đặt ra là 6,5 - 7%. Với các kết quả này, mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7% của Kế hoạch 5 năm vẫn khó có thể đạt được. Tuy vậy, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ luôn đặt quyết tâm cao, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế đã hiến kế các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những giải pháp là thời gian tới chúng ta cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư. Cùng với đó là thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém. “Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…” - TS. Cấn Văn Lực nói.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cần sớm xây dựng Đề án Nâng cao năng suất lao động quốc gia, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo./.
Minh Anh