(HQ Online) - Công tác điều hành giá kịp thời, quyết liệt, giúp kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát đi theo đúng mục tiêu đề ra.
Nguồn cung hàng hoá dồi dào tạo điều kiện cho thị trường luôn ổn định. Ảnh: S.T
Tốc độ tăng CPI ở mức vừa phải
Các số liệu mới đây của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đều cho thấy, tốc độ tăng của CPI trong 8 tháng đầu năm ở mức vừa phải, kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Trong đó, CPI tháng 8 ổn định so với tháng trước và tăng 3,45% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2024. Tháng 9/2024, thị trường giá cả các địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão nên cũng gây lo ngại sẽ tác động đến công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính sau bão số 3, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống... khiến tăng giá cục bộ tại một số địa bàn dẫn đến khó khăn cho sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân. Nhưng đến nay, nguồn cung hàng hóa đã lưu thông trở lại, nhất là sau những giải pháp điều hành, chỉ đạo tăng cường nguồn cung quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính.
UBND các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng đều đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc để nhanh chóng nắm bắt kịp thời diễn biến giá cả thị trường cũng như tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn thị trường trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng thiên tai để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi.
Nhận xét về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tác động của bão số 3 đến giá cả các mặt hàng trên thị trường chủ yếu mang tính ngắn hạn và cục bộ tại một số địa phương. Việt Nam có dự trữ lương thực khá lớn nên khi hệ thống giao thông được tu sửa và kết nối lại, nguồn cung đã phục hồi.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo điều hành giá rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, qua đó ổn định đời sống, đảm bảo an sinh cho người dân sau bão lũ, giải quyết những ách tắc có thể có trong phân phối hàng hoá đến các địa phương. Biện pháp này cần tiếp tục thực hiện trong những tháng cuối của năm 2024 nhằm giữ lạm phát ở mức dưới 4%.
Đảm bảo mục tiêu đã đề ra
Hiện chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2024. Theo đánh giá của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, lạm phát của Việt Nam dự báo vẫn ở dưới mức 4% cho cả năm 2024. Mặc dù còn nhiều yếu tố có thể tác động đến công tác kiểm soát lạm phát trong nước, nhưng mới đây, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ được nhận định sẽ giúp giảm bớt một số áp lực lên lạm phát.
Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu. Các bộ, ngành theo phạm vi, lĩnh vực ngành hàng quản lý, UBND các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Trong trao đổi mới đây, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương cần đảm bảo, tạo điều kiện để hàng hóa được lưu thông thông suốt. Các địa phương cũng cần làm tốt công tác tổng hợp thông tin, dự báo giá cả thị trường tại địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành theo từng lĩnh vực để có các giải pháp ứng phó phù hợp… Với những nỗ lực này, ông Bình khẳng định mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Đồng tình với dự báo trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với kịch bản nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, tăng trưởng cao hơn, lãi suất và lạm phát thấp hơn sẽ giúp giá trị đồng Việt Nam tiếp tục được giữ vững, cân đối vĩ mô được đảm bảo, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước… nền kinh tế kỳ vọng tăng trưởng đạt 6,3-7%, lạm phát ở mức 3,5-3,8%.
TS. Nguyễn Đức Độ cũng nhận định, chính sách tác động nhanh và mạnh tới lạm phát thời gian tới chính là việc điều chỉnh giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện các điều chỉnh về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục thì lạm phát trung bình năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,5%. Nhưng nếu điều chỉnh thì các cơ quan quản lý cần tính toán hợp lý để lạm phát và thị trường giá cả giữ ở mức đã đặt ra.
Trước đó, về vấn đề này, Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá và Bộ Tài chính đã không ít lần đề nghị các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI.
Hương Dịu