(Thoibaotaichnhvietnam.vn) Phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng đặt ra nhiều thách thức, cần có giải pháp để huy động được các nguồn lực tài chính, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng '0' (Net Zero) vào năm 2050.
Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ. Ảnh tư liệu
Giải bài toán hài hòa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
Tại Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới" vừa diễn ra, PGS. TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý "đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác"; hoạt động trên ba nguyên tắc: bảo tồn vốn tự nhiên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả của hệ thống.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mô hình này không chỉ giảm khai thác nguyên liệu mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu chất thải, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đảng và Nhà nước coi kinh tế tuần hoàn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định số 687/QĐ-TTg về phát triển kinh tế tuần hoàn.
PGS. TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Trong đó, khó khăn thách thức lớn đó là hài hòa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Làm được điều này, cần huy động được nguồn lực tài chính…
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra hạn chế là tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán; cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được ban hành.
Còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính; chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu (viện, trường) với doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khiêm tốn...
Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển
Góp ý giải pháp hiện thực hóa Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn.
Do đó, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh kế tuần hoàn, bên cạnh yếu tố tiên quyết là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ý thức người dân, theo TS. Mai Thanh Dung, còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bộ/ngành, UBND cấp tỉnh, các tổ chức đoàn thể... trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, về các nhóm giải pháp trọng tâm để huy động nguồn lực thực hiện kinh tế tuần hoàn, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần thu hút nguồn lực tư nhân tham gia phát triển kinh tế tuần trong việc thí điểm khu vực, ngành/lĩnh vực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn điểm (từ các kinh nghiệm nước ngoài); sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ đo lường khí phát thải, dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu.
Hải Linh