Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao ở các thị trường chủ lực. Ảnh: Vietnam+
Ngành chủ lực tăng tốc
8 tháng qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng cao. Dự báo những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt cơ hội thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, qua đó đóng góp chung cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong 8 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%). Xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sơ bộ đạt 25,19 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước, như: Cà phê tăng 36%; gạo tăng 21,7%; chè các loại tăng 33%; rau quả tăng 31%; nhân điều tăng 23%; hạt tiêu tăng 44,9%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đạt gần 225 tỷ USD, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 40,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28%; sản phẩm chất dẻo tăng 31%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,8%; sắt thép các loại tăng 11,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22,5%; hàng dệt và may mặc tăng 7,3%; giày dép các loại tăng 12,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,5%...
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản đạt 2,78 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,8%).
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) cho rằng, cầu thị trường quốc tế đang từng bước phục hồi, dẫn tới sản xuất công nghiệp và dịch vụ liên quan tới xuất khẩu trong nước cũng đã từng bước cải thiện, góp phần tăng tốc trở lại nền kinh tế.
Theo các số liệu thống kê, kinh tế đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2024 - 6% so với 5% nửa đầu năm 2023 - nhờ vào sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự báo cho nửa đầu năm 2024 nhờ sức cầu bên ngoài mạnh hơn, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 16,9% và 17% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng thương mại cũng đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi. Các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu (vận tải và kho bãi) được hưởng lợi do xuất khẩu hàng hóa phục hồi. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện từ sau giai đoạn tăng rất chậm hồi đầu năm 2024 (tính đến tháng 6/2024, đạt 13,5% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ vào các hoạt động xuất khẩu, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, vận tải được cải thiện.
“Để có được kết quả như trên, bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, cũng cần nhấn mạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy phân tích và cho biết thêm kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh mới nhất của Ban IV cho thấy, điều tích cực nhất là niềm tin của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã quay trở lại và đạt 2,57/5, cao nhất trong các ngành. Điều này cũng phù hợp với con số thống kê khi chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng đến 9,5%.
Nhiều doanh nghiệp không chỉ vượt khó về quản trị kinh doanh nói chung mà còn từng bước tiên phong trong các yêu cầu mới về chuyển đổi xanh - bền vững, số hóa, chuyển mình theo các quy định kĩ thuật mới trong giao dịch thương mại quốc tế… “Xét trên quy mô doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp lớn thể hiện sự nỗ lực mà nhiều mô hình tiên tiến và bền vững cũng đã xuất hiện ở đội ngũ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ý tưởng kinh doanh bền vững liên quan tới sinh thái, tái chế… được nhiều doanh nghiệp chú trọng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp tới nông nghiệp và trong các tiểu ngành cụ thể”, bà Thủy cho hay.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua hiệp hội để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.
Hướng tới xuất khẩu bền vững
Theo Bộ Công Thương, mặc dù, hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng, hoạt động logistics khu vực và toàn cầu. Xuất nhập khẩu hàng hóa mặc dù đạt kết quả tăng trưởng cao trong 8 tháng năm 2024 chủ yếu do nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm trước; đồng thời, mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao.
Hơn nữa, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Để tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.
Ngọc Linh