(HQ Online) - Với việc đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ, nhiều DN không chỉ giải quyết được bài toán về rác thải, môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị cao và xuất khẩu tới nhiều thị trường.

Sản phẩm chiết xuất từ phụ phẩm tôm củaVNF đang được đón nhận rất tích cực tại nhiều thị trường xuất khẩu. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp
Tạo vòng đời mới cho phụ phẩm, rác thải
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhựa còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra nhiều trăn trở đối với ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Đông Đô - một DN thành lập từ năm 2000 với hoạt động chủ yếu là cung cấp các loại giàn giáo, phụ kiện cốp pha cho việc thi công các công trình xây dựng. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Dũng nhận thấy, những sản phẩm ván ép gỗ có nhược điểm là khai thác từ nguồn tự nhiên nên bị hạn chế, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khoảng cách địa lý khiến cho chi phí sản xuất sẽ ngày càng tăng do nguyên liệu càng ngày càng cạn kiệt. Do đó, ông muốn tìm ra một loại vật liệu có thể thay thế được những vật liệu truyền thống mà có nguồn nguyên liệu dồi dào và dễ kiểm soát.
Năm 2018, Đông Đô đã thành lập và đưa vào sản xuất giai đoạn 1 nhà máy sản xuất cốp pha Vision tại Long An. Với việc cho ra đời tấm cốp pha nhựa Eco, Đông Đô đã tận dụng nguyên liệu nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất cũng như việc thu hồi tái chế sản phẩm sau khi sử dụng, giảm việc đốn hạ cây xanh làm nguyên liệu sản xuất.
Với giai đoạn 1 hiện nay, mỗi ngày, Đông Đô có thể xử lý được khoảng từ 20 - 25 tấn nhựa và hoạt động liên tục 24/24h. Tương ứng với mỗi tháng công ty xử lý được khoảng từ 600 - 750 tấn nhựa, và đưa ra thị trường được khoảng 25.000 - 30.000 tấm nhựa, mỗi tấm có trọng lượng trung bình khoảng 30 kg.
Theo ông Dũng, nhu cầu của thị trường về sản phẩm tấm nhựa làm từ nhựa phái sinh đang rất lớn vì nó có thể thay thế được rất nhiều sản phẩm khác. Vì vậy, trước mắt công ty sẽ tập trung vào sản xuất tấm nhựa eco cho ra chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất để có thể đưa ra thị trường với số lượng lớn nhất. Trong tương lai, Đông Đô có kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài, thậm chí mở nhà máy hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển.
Một loại phụ phẩm khác cũng đang được nhiều DN đầu tư nghiên cứu và phát triển thành các sản phẩm có giá trị cao là bã cà phê. Năm 2023, AirX Carbon - một startup thuần Việt đã ra mắt nguyên liệu carbon âm tính từ bã cà phê đầu tiên trên thế giới. Hiện nhiều nhãn hàng, tập đoàn lớn như Nestlé, Paula's Choice, Uniqlo, Roche và Tập đoàn Khách sạn Intercontinental... đã bắt tay hợp tác với doanh nghiệp này.
Trước đó, từ năm 2017, Công ty CP Kết nối thời trang (Faslink) cũng đã tạo cú hích trên thị trường dệt may Việt Nam khi hợp tác nghiên cứu cùng Singtex cho ra mắt sản phẩm áo sơmi cà phê đầu tiên trên thế giới và thương mại hóa tại Việt Nam. Đến nay, vải sợi cà phê của Faslink đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều loại trang phục như jeans, quần tây… với hơn 40 nhãn hàng thời trang, điển hình như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...
Hàng xuất khẩu chế biến từ phụ phẩm
Là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, mỗi năm ngành tôm Việt Nam thải ra lượng lớn phụ phẩm, chủ yếu là đầu, vỏ, mảnh thịt vụn, và tôm hỏng. Theo nghiên cứu của Quỹ Đầu tư Vietnam Investments Group, giá trị tạo ra từ phụ phẩm tôm tăng theo ứng dụng sản phẩm cuối như sau: ở ngành chăn nuôi giá trị tăng gấp 3 - 5 lần; ngành thực phẩm giá trị tăng gấp 5 - 10 lần; ở ngành thực phẩm chức năng tăng từ 15 - 20 lần; ngành dược phẩm tăng 20 - 30 lần. Trong khi hiện nay, ước tính sơ bộ, Việt Nam đang thải ra và lãng phí 1.000 tấn phụ phẩm tôm/ngày gồm đầu, vỏ và các bộ phận khác không được sử dụng trong quá trình chế biến thủy sản.
Tuy nhiên, hiện tại hầu hết phụ phẩm ngành tôm vẫn chỉ được xử lý theo hướng đơn giản, phổ biến nhất là hấp, sấy, nghiền nên giá trị mang lại rất thấp. Với việc hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước, Công ty CP Việt Nam Food (VNF) chiết xuất được nhiều tinh chất quý từ các phụ phẩm tôm. Nổi bật trong đó là chitosan - một nguyên liệu sinh học nhiều tiềm năng cho tương lai. Trong y học, chitosan là chất có khả năng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, là thành phần trong thuốc chống béo phì và là nguyên liệu để sản xuất glucosamine - thuốc hỗ trợ trị bệnh khớp. Trên thế giới, 1 kg chitosan tinh khiết phục vụ cho ngành y có thể bán với giá vài trăm USD.
Bà Nguyễn Vân An, Giám đốc Chiến lược VNF cho biết, sau 10 năm hoạt động nghiên cứu phát triển và thử nghiệm, VNF chiết xuất được 5 nhóm hoạt chất sinh học chính, bao gồm: nguyên liệu thực phẩm; dinh dưỡng sinh học (đạm thủy phân dễ tiêu hóa); polymer sinh học đa chức năng (chitosan); chất chống oxy hóa astaxanthin và probiotics. Cùng với đó là 80 sản phẩm khác nhau đưa vào 6 nhóm ứng dụng chính bao gồm chăn nuôi, trồng trọt, thú cưng, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe con người và nhiều ngành công nghiệp khác. Đặc biệt hơn, các sản phẩm của VNF đang được xuất khẩu đi nhiều thị trường như châu Âu, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Malaysia...
Tương tự VNF, Công ty CP Phúc Sinh cũng đã phát triển thành công sản phẩm trà cascara từ phần vỏ của quả cà phê - vốn là phụ phẩm bỏ đi trong quá trình chế biến cà phê. Điều đặc biệt là sản phẩm này đang được khách hàng tại thị trường quốc tế đón nhận rất tích cực và mang lại giá trị rất cao, thậm chí còn cao hơn sản phẩm chính là cà phê nhân. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh cho biết, hiện mỗi năm Phúc Sinh sản xuất được khoảng 10 tấn trà cascara. 90% trong số này đang được xuất khẩu đi các thị trường. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của 10 tấn trà này hiện tương đương với 40 tấn cà phê xuất khẩu.
Câu chuyện thực tế của VNF cũng như Phúc Sinh đã cho thấy, việc đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ không chỉ giúp giải quyết vấn đề về rác thải cũng như các phụ phẩm nông nghiệp, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, đóng góp vào lợi nhuận của DN cũng như mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Nguyễn Hiền