(HQ Online) Các kênh đầu tư tại Việt Nam vẫn mang lại nhiều tiềm năng, nhưng chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho rằng, dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh còn khiêm tốn, dẫn đến rủi ro cho nền kinh tế.

PV: Theo ông, dòng tiền đầu tư hiện nay đang như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại, có 5 kênh đầu tư chính mà mọi người có thể tham khảo, gồm: Chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng. Mặc dù về mặt lý thuyết tài chính, tiền gửi ngân hàng không phải kênh đầu tư thực sự vì đầu tư nghĩa là phải chấp nhận rủi ro, nhưng trong quan niệm phổ biến, tiền gửi ngân hàng vẫn được xem như một kênh đầu tư do ngân hàng phải trả cả gốc và lãi sau một thời gian cho người gửi tiền. Gần đây, chúng ta cũng có thêm một kênh đầu tư mới, đó là tiền ảo, tuy nhiên nó mang lại nhiều rủi ro hơn và cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia.
Với những kênh đầu tư như vậy, người đầu tư cần hướng tới 3 mục tiêu. Đầu tiên là sự an toàn, bảo vệ giá trị tài sản là yếu tố quan trọng. Thứ hai là lợi nhuận. Thứ ba là tính thanh khoản, tức là khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt một cách nhanh chóng. Chẳng hạn nếu gửi tiền vào ngân hàng, bất cứ lúc nào muốn rút tiền, ngân hàng đều có thể trả ngay.
Trong tất cả kênh đầu tư, tiền gửi ngân hàng được đánh giá cao nhất về độ an toàn, nhưng đây lại là kênh có mức thấp nhất do chỉ dựa vào lãi suất mặc dù lãi suất ngân hàng hiện đã tăng ở một số nơi.
Về vàng, trước đây tính thanh khoản của vàng rất cao, nhưng hiện tại lại khá thấp do việc mua - bán vàng đã trở nên khó khăn, giá cũng đã giảm từ 92 triệu đồng một lượng xuống còn khoảng 78 - 79 triệu đồng một lượng. Vì thế, tôi không khuyến khích đầu tư vào vàng ở thời điểm này.
Về lợi nhuận, kênh chứng khoán vẫn là kênh mang lại lợi nhuận cao nhất. Từ đầu năm đến nay, chứng khoán đã tăng điểm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu đang biến động mạnh, dẫn đến thị trường chứng khoán trong nước cũng có nhiều phiên lên xuống bất thường, dẫn đến tính thanh khoản của chứng khoán là khá thấp. Kênh đầu tư bất động sản vẫn chưa khởi sắc nên mức sinh lời không cao.
Tuy nhiên, chiến lược đầu tư còn phụ thuộc vào từng cá nhân, đặc biệt là độ tuổi và khẩu vị rủi ro. Nếu là người ưa mạo hiểm, có thể chọn đầu tư vào chứng khoán, đặc biệt là những mã chứng khoán có tiềm năng sinh lời cao nhưng đi kèm với rủi ro lớn. Ngược lại, nếu thích sự an toàn thì nên lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng với thời hạn dài để đảm bảo sự ổn định. Hơn nữa, số tiền đầu tư cũng ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư, nếu có hàng chục tỷ đồng thì sẽ có nhiều cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư.
PV: Trong sản xuất, kinh doanh, dòng tiền đang gặp vấn đề gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện dòng tiền của nhà đầu tư đang luân chuyển mạnh mẽ trên thị trường tài chính, nhưng dòng tiền đưa vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh rất khiêm tốn. Đây là rủi ro của nền kinh tế khi tiền không đưa vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra tiền thực trong nền kinh tế.
Đáng lưu hơn là, lãi suất cho vay của ngân hàng đang thấp, nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn, bởi đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể vẫn tăng, cho thấy doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại. Chính phủ đã và đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, nhưng Chính phủ chỉ có thể khuyến khích dòng tiền mà không thể dùng biện pháp hành chính do phải tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Do đó, cần nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ dòng vốn hiệu quả.
PV: Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng. Các quỹ này sẽ giúp ngân hàng cho vay mà không sợ rủi ro, từ đó tăng hiệu quả đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi, nâng cao năng lực sản xuất tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, để vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường, vừa đảm bảo theo các tiêu chí tài chính để vay vốn ngân hàng, tiếp cận các nguồn vốn đa dạng trên thị trường vốn.
Từ nay đến cuối năm, kỳ vọng kinh tế vĩ mô tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố, nên các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang luôn trong tư thế phải tìm cách thích nghi và phát triển, tự chuyển đổi về quản trị điều hành, phương thức kinh doanh, các tiềm năng sinh lời sẽ lộ diện với những nhà đầu tư biết chớp lấy cơ hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Chi