Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, con đường phục hồi còn gập ghềnh

Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, con đường phục hồi còn gập ghềnh 11/09/2024 13:32:00 213

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, con đường phục hồi còn gập ghềnh

11/09/2024 13:32:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Các số liệu về tình hình kinh tế Việt Nam 8 tháng năm 2024 cho thấy, kinh tế đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như trước đại dịch. Tuy nhiên, con đường phục hồi phía trước còn không ít ghập ghềnh, thử thách, nhất là khi tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi nhanh. Ảnh tư liệu

Kinh tế tốt hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 8 tháng qua, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.

Trong đó, tình hình tài chính - ngân sách tiếp tục được cải thiện. Tổng thu NSNN 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Cũng trong 8 tháng, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm khoảng 187 nghìn tỷ đồng.

Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%.

Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2024 đạt 52,4 điểm, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore). Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 8 tháng tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 19,1 tỷ USD.

Đáng chú ý là các động lực tăng trưởng từ phía cầu cũng đang phục hồi tích cực hơn. Theo đó, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.

Những kết quả này là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng của kinh tế Việt Nam. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1% và năm 2025, 2026 đạt 6,5%; UOB dự báo tăng trưởng vượt 6%; HSBC dự báo tăng 6,5%... Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định, tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.

Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn

Tuy vậy, con đường phục hồi còn không ít ghập ghềnh, thử thách. Trước hết, các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn. Về phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao; tình hình bão lũ, mưa lớn, nhất là ở khu vực phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do các yếu tố bên ngoài. Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng có dấu hiệu giảm, nhưng áp lực lạm phát cần được theo dõi sát, nhất là biến động giá cả thế giới, giá lương thực, thực phẩm tại các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và tâm lý, kỳ vọng của người dân. Tín dụng tăng trưởng chưa cao…

Đáng lo là tình hình thiên tai, bão lũ, ngập lụt… diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Mới tính trong 8 tháng, thiệt hại do thiên tai khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn nữa, chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.

Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Dương Anh

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%