Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Tài chính đã góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính

Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Tài chính đã góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính 16/05/2024 16:56:00 390

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Tài chính đã góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính

16/05/2024 16:56:00

Ngày 16/5/2024, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CLTC) - Cơ quan Thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KHCN) ngành Tài chính đã tổ chức họp Hội đồng KHCN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2024 - 2026 nhằm đánh giá công tác quản lý, triển khai hoạt động nghiên cứu KHCN ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2024 và đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2025 - 2027. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hướng tới chào mừng Ngày KHCN Việt Nam (18/5). Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng - Chủ tịch Hội đồng KHCN ngành Tài chính đã tham dự và chủ trì cuộc họp. Tham gia cuộc họp còn có các thành viên Hội đồng KHCN ngành, đại diện một số trường thuộc Bộ, đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Viện CLTC.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì cuộc họp

Trước đó, ngày 21/3/2024, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 475/QĐ-BTC thành lập Hội đồng KHCN ngành Tài chính nhiệm kỳ 2024 - 2026 gồm 25 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng làm Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên hội đồng KHCN ngành Tài chính là đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và một số chuyên gia ngoài Bộ.

Thay mặt Thường trực Hội đồng KHCN ngành Tài chính, Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng, Viện trưởng Viện CLTC đã báo cáo đánh giá tình hình quản lý, triển khai nghiên cứu KHCN ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2024 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2025 - 2027. Theo đó, Hội đồng KHCN ngành Tài chính thời gian qua đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng định hướng nghiên cứu KHCN ngành Tài chính; xác định danh mục nhiệm vụ KHCN cấp Bộ đặt hàng; tham gia các Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp và Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Bộ.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC báo cáo tại cuộc họp

Về tình hình triển khai các nhiệm vụ KHCN, Bộ Tài chính đã giao 199 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện giai đoạn 2021 - 2024. Các nhiệm vụ KHCN đã bám sát Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành; phục vụ triển khai các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra trong định hướng nghiên cứu KHCN ngành Tài chính. Kết quả nghiên cứu KHCN đã góp phần tạo cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước cũng như phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính.

Hoạt động nghiên cứu KHCN của ngành Tài chính đã tập trung vào những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - tài chính; tham gia tư vấn, xây dựng và đề xuất các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ về tài chính quốc gia và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam... Nhiều kết quả nghiên cứu đã tạo cơ sở vững chắc, được thể hiện cả ở khía cạnh lý luận cơ bản và ứng dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề quản lý tài chính trên các lĩnh vực như: Quản lý NSNN, xây dựng hệ thống thuế, quản lý tài chính đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, hội nhập kinh tế - tài chính khu vực và quốc tế, cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hải quan, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán, công khai hóa tài chính; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính sau 35 năm đổi mới; nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia; hoàn thiện Luật Hải quan hướng tới mô hình hải quan hiện đại; quản trị rủi ro tài khóa tổng thể đến năm 2030; huy động và sử dụng nguồn lực tài chính thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa; huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển các vùng kinh tế trọng điểm...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Hội đồng KHCN ngành Tài chính đã trao đổi, thảo luận và đề ra phương hướng hoạt động KHCN giai đoạn 2025 - 2027 như: Tiếp tục xây dựng định hướng nghiên cứu ngành Tài chính làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ đề xuất các nhiệm vụ KHCN năm 2025 và trong thời gian tới của ngành Tài chính, đảm bảo bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tài chính, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành; Tiếp tục nâng cao vai trò của Thường trực Hội đồng KHCN ngành Tài chính trong việc xây dựng định hướng, xác định nhiệm vụ KHCN và tham mưu cho Hội đồng KHCN ngành Tài chính và Lãnh đạo Bộ Tài chính lựa chọn các nhiệm vụ KHCN của Bộ để nghiên cứu phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính; Tiếp tục đổi mới quy trình giao nhiệm vụ, quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo tính kết nối ngày càng cao giữa hoạt động nghiên cứu với việc hoạch định, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước...

Toàn cảnh cuộc họp

Kết luận và chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng - Chủ tịch Hội đồng KHCN ngành Tài chính đánh giá cao những kết quả quản lý, triển khai nghiên cứu KHCN ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2024, đồng thời gửi lời chúc sức khỏe, chúc mừng các thành viên Hội đồng KHCN ngành nhân ngày KHCN (18/5). Để triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng yêu cầu hoạt động quản lý, nghiên cứu KHCN ngành Tài chính thời gian tới cần bám sát những chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và của Bộ Tài chính. Hoạt động KHCN và các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN phải đi trước, đón đầu, đúng vấn đề, kỹ lưỡng, sát với thực tế và kết quả được ứng dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu KHCN của ngành Tài chính cần tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút, trọng dụng và xây dựng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Bích Ngọc

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%