Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là một sắc thuế phổ biến và có lịch sử lâu đời trong hệ thống thuế của các quốc gia trên toàn cầu. Mục tiêu chính của thuế TTĐB là điều tiết/định hướng tiêu dùng và hoạt động sản xuất - kinh doanh và tạo lập nguồn thu cho NSNN trong từng giai đoạn. Do thuế TTĐB có mục tiêu định hướng tiêu dùng và sản xuất nên không phải tất cả các hàng hóa và dịch vụ đều bị đánh thuế, vì vậy cơ sở tính thuế khá hẹp do tính chất chọn lọc đối tượng chịu thuế. Theo đó, thuế TTĐB cũng sẽ được thiết kế một cách đặc biệt nhằm tác động đến hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở các quốc gia
Số lượng quốc gia áp dụng phương pháp đánh thuế tuyệt đối chiếm nhiều nhất, nếu năm 2008 có 56 quốc gia thì đến năm 2022 đã có 70 quốc gia (tăng thêm 14 quốc gia). Số lượng quốc gia áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp cũng tăng trưởng nhanh, năm 2008 là 48 quốc gia, năm 2022 là 64 quốc gia (tăng thêm 16 quốc gia). Như vậy, nếu xét về mức độ tăng thêm về số lượng thì phương pháp đánh thuế hỗn hợp lại được áp dụng phổ biến hơn. Phương pháp đánh thuế tương đối năm 2008 có 54 quốc gia áp dụng, nhưng đến năm 2022 còn 34 quốc gia (giảm 20 nước) do thuế tương đối ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm hơn so với thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp.
Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ở các quốc gia
Nam Phi: Kể từ ngày 01/04/2023, thuế TTĐB đối với mỗi gói 20 điếu thuốc là 20,8 ZAR. Tại Argentina, thuế suất tính theo giá trị là 70% giá bán lẻ (chưa bao gồm tất cả các loại thuế) áp dụng cho cả thuốc lá sản xuất trong nước và thuốc lá nhập khẩu. Thuế tuyệt đối tối thiểu đã có hiệu lực từ năm 2018 và được cập nhật hằng quý theo chỉ số giá tiêu dùng do Viện Thống kê và Điều tra Quốc gia cung cấp. Kể từ tháng 6/2023, mức thuế TTĐB tối thiểu là 254,56 ARS/gói.
Áo: Thuốc lá bị đánh thuế hỗn hợp với mức thuế TTĐB tối thiểu và những thay đổi dự kiến trong 3 năm tới như sau: (i) Từ tháng 4/2023 đến ngày 31/3/2024: Thuế tương đối bằng 32,5% giá bán lẻ, mức thuế tuyệt đối tối thiểu là 76,5 EUR trên 1.000 điếu thuốc; (ii) Từ tháng 4/2024 đến ngày 31/3/2025: Thuế tương đối bằng 32% giá bán lẻ, mức thuế tuyệt đối tối thiểu là 80 EUR trên 1.000 điếu thuốc; (iii) Từ tháng 4/2025 đến ngày 31/3/2026: Thuế tương đối là 31,5% RSP, mức thuế tuyệt đối tối thiểu là 83,5 EUR trên 1.000 điếu thuốc; (iv) Từ tháng 4/2026: Thuế tương đối là 31% RSP, mức thuế tuyệt đối tối thiểu là 87 EUR trên 1.000 điếu.
Bỉ: Thuế TTĐB đối với thuốc lá áp dụng theo phương pháp hỗn hợp: Mức thuế tương đối là 37,04% RSP, mức thuế tuyệt đối tối thiểu là 261,6346 EUR trên 1.000 điếu thuốc.
Bulgary: (i) Từ ngày 01/3/2023: Mức thuế là 117,5 BGN trên 1.000 điếu thuốc và 23,5% RSP, nhưng không thấp hơn 185,5 BGN trên 1.000 điếu thuốc; (ii) Từ ngày 01/01/2024: Thuế suất là 126 BGN trên 1.000 điếu thuốc và 22% RSP, nhưng không thấp hơn 194 BGN trên 1000 điếu thuốc; (iii) Từ ngày 01/01/2025: 134,5 BGN trên 1.000 điếu thuốc và 20,5% RSP, nhưng không thấp hơn 202,5 BGN trên 1000 điếu thuốc; (iv) Từ ngày 01/01/2026: 143 BGN trên 1.000 điếu thuốc và 19% RSP, nhưng không thấp hơn 211 BGN trên 1.000 điếu thuốc.
Đan Mạch: Kể từ ngày 01/01/2022, thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đun nóng là 1.500,09 DKK/kg thuốc lá. Kể từ ngày 01/01/2022, thuốc lá phải chịu thuế tuyệt đối là 1.935,4 DKK trên 1.000 điếu thuốc và thuế TTĐB theo giá trị là 1% giá bán lẻ.
Estonia: Từ năm 2023, thuế tương đối là 30% giá bán lẻ, mức thuế tuyệt đối là 96,3 EUR/1.000 điếu thuốc. Cải cách dự kiến: Năm tài chính 2024, thuế tuyệt đối là 169,1 EUR trên 1.000 điếu thuốc; Năm tài chính 2025, thuế tuyệt đối là 177,1 EUR trên 1.000 điếu thuốc; Năm tài chính 2026, thuế tuyệt đối là 186,7 EUR trên 1.000 điếu thuốc
Phần Lan: Trước ngày 01/7/2023, thuế tuyệt đối 9,06 EUR/điếu thuốc cộng với 52% giá bán lẻ. Từ ngày 01/7/2023 đến ngày 31/12/2023, thuế tuyệt đối là 9,43 EUR/điếu thuốc cộng với 52% giá bán lẻ.
Đức: Từ ngày 01/01/2023, thuế suất theo luật định đối với thuốc lá điếu là 111,5 EUR trên 1.000 điếu thuốc cộng với thuế tương đối là 19,84% giá bán lẻ, nhưng không dưới 228,88 EUR trên 1.000 điếu thuốc. Từ ngày 01/01/2025: tăng thuế tuyệt đối với thuốc lá điếu ở mức 117,1 EUR trên 1.000 điếu cộng với thuế tương đối là 19,84% giá bán lẻ, nhưng không dưới 241,63 EUR trên 1.000 điếu. Từ ngày 01/01/2026: Tăng thuế tuyệt đối với thuốc lá điếu ở mức 122,8 EUR trên 1.000 điếu cộng với thuế tương đối là 19,84% giá bán lẻ. Từ ngày 01/01/2026: Tăng thuế tuyệt đối với thuốc lá điếu ở mức 122,8 EUR trên 1.000 điếu cộng với thuế tương đối là 19,84% giá bán lẻ.
Ý: Thuế tương đối với thuốc lá là 47,5% giá bán lẻ và thuế tuyệt đối là 36 EUR trên 1.000 điếu thuốc lá. Đối với các năm tài chính 2024 và 2025, mức thuế tuyệt đối dự kiến lần lượt là 36,5 EUR và 37 EUR trên 1.000 điếu thuốc lá.
Hà Lan: Từ ngày 01/4/2023, thuế tuyệt đối là 271,07 EUR trên 1000 điếu thuốc, thuế tương đối là 5% giá bán lẻ. Từ tháng 4/2024, mức thuế tuyệt đối tăng lên 317,87 EUR trên 1.000 điếu thuốc.
Bồ Đào Nha: Từ ngày 01/01/2023, thuế tuyệt đối là 112,5 EUR trên 1.000 điếu thuốc, mức thuế tương đối là 12% giá bán lẻ.
Nga: Từ ngày 01/01/2023, mức thuế tuyệt đối là 2,603 RUB trên 1.000 điếu, mức thuế tương đối là 16% của giá bán lẻ. Từ ngày 01/01/2024, mức thuế tuyệt đối là 2,707 RUB trên 1.000 điếu và thuế tương đối là 16% giá bán lẻ. Từ ngày 01/01/2025, từ ngày 01/01/2025, mức thuế tuyệt đối là 2,815 RUB trên 1.000 điếu thuốc và mức tương đối là 16%.
Thụy Sỹ: Trong năm 2023, thuế tuyệt đối là 118,32 CHF trên 1.000 điếu thuốc và mức thuế tương đối là 25% giá bán lẻ. Hai loại phí khác là Phí nộp vào Quỹ phòng chống thuốc lá với mức phí là 1,3 CHF trên 1.000 điếu và mức phí cũng là 1,3 CHF trên 1.000 điếu đóng góp vào Quỹ tài trợ hoạt động buôn bán thuốc lá nội địa.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Về mục tiêu cải cách thuế
Các quốc gia khi thực hiện cải cách thuế luôn xác định các mục tiêu cần đạt được, bao gồm: Giúp hạn chế tiêu dùng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường; (ii) Giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, góp phần giảm nguy cơ bệnh tật, giảm chi phí y tế; (iii) Tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước; (iv) Góp phần hướng đến an sinh xã hội và phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam cũng cần xác định rõ các mục tiêu cần phải đạt được khi thực hiện cải cách thuế TTĐB trong thời gian tới.
Về phương pháp đánh thuế
Mặc dù mỗi phương pháp đánh thuế đều có ưu, nhược điểm khác nhau nhưng thực tế cho thấy phương pháp đánh thuế hỗn hợp và thuế tuyệt đối đang có xu hướng được áp dụng nhiều hơn tại nhiều quốc gia.
Những nước phụ thuộc nhiều hơn vào thành phần tuyệt đối thì mức thuế tương đối khi điều chỉnh thường sẽ theo hướng giữ nguyên hoặc suy giảm dần để tạo hiệu quả tốt hơn và mặc dù dẫn đến giá cao hơn nhưng sẽ tạo khoảng cách giá nhỏ hơn giữa các thương hiệu khác nhau. Nhờ đó giảm bớt tác động của việc khi tăng thuế khiến người tiêu dùng chuyển sang hút loại thuốc lá thấp cấp hơn.
Những nước phụ thuộc nhiều hơn vào thành phần thuế tương đối thì mức thuế tuyệt đối tối thiểu sẽ được thiết lập để cung cấp sự bảo vệ chống lại các sản phẩm thuốc lá bị định giá thấp. Khi áp thuế tuyệt đối tối thiểu bên cạnh mức thuế tương đối khi điểu chỉnh thuế suất thì mức thuế tương đối sẽ được cải cách theo hướng tăng dần nhằm đảm bảo bắt kịp một phần chỉ số lạm phát cũng như góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc.
Nếu áp dụng thuế hỗn hợp nhưng việc phụ thuộc nhiều hơn vào thành phần thuế tương đối giúp đơn giản hơn về mặt hành chính. Giá bán lẻ dễ xác định hơn giá sản xuất hoặc giá CIF, do đó ít rủi ro bị định giá thấp hơn.
Về điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá và lộ trình thực hiện.
Dựa trên căn cứ áp dụng phương pháp đánh thuế, các quốc gia đưa ra các phương án điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá một cách phù hợp.
Với phương pháp đánh thuế tương đối: Việc điều chỉnh thuế suất tương đối đối với thuốc lá chỉ có một hướng duy nhất là tăng dần mức thuế tương đối theo một lộ trình nhất định để đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, phần lớn sẽ phải thực hiện tăng mức thuế suất tương đối lên rất cao mới có thể đáp ứng được mục tiêu đặt ra, và do đó dễ gây phản đối của dư luận xã hội.
Với phương pháp đánh thuế hỗn hợp: Việc điều chỉnh thuế suất hỗn hợp sẽ linh hoạt hơn so với phương pháp chỉ đánh thuế tương đối hoặc chỉ đánh thuế tuyệt đối.
Với phương pháp đánh thuế tuyệt đối: Việc điều chỉnh thuế suất tuyệt đối với thuốc lá chỉ có một hướng duy nhất là tăng dần theo một lộ trình nhất định để đạt được mục tiêu đề ra trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, do ưu điểm vượt trội của phương pháp đánh thuế tuyệt đối nên mức tăng thuế chỉ cần bắt kịp tốc độ lạm phát theo từng năm cũng đủ để tạo nên những tác động mạnh đến tiêu dùng thuốc lá, đến tỷ lệ hút thuốc và đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Nhìn chung, dù điều chỉnh thuế suất theo bất kỳ một phương pháp đánh thuế nào thì cũng cần có sự cân nhắc, lựa chọn điều chỉnh theo lộ trình và có đánh giá tác động kỹ lưỡng trên nhiều phương diện.
Thu Hồng