Ngày 16/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư chứng khoán, các hiệp hội kinh doanh chứng khoán; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (Nhóm Ngân hàng Thế giới, Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) Úc, Tổ chức USAID, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, IOSCO…); cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.
.JPG)
Ban Chủ trì Hội thảo
Chủ trì Hội thảo có sự tham gia của TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Andrea Coppola - Trưởng Chương trình Công bằng Tăng trưởng, Tài chính và Thể chế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Arabella Bennett - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.
(1).JPG)
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến ngày 12/4/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.276,6 điểm, tăng 13% so với cuối năm 2023. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương với 66,1% GDP ước tính của năm 2023”.
TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên. Đến nay, TTCK Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất (đạt khoảng 30% tổng tài sản quản lý) trong rổ chỉ số thị trường cận biên. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Cùng với đó, tại Quyết định 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
(1).JPG)
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu bế mạc Hội thảo
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK ngày 28/2/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Hội thảo đã phân tích những cơ hội và thách thức của nâng hạng TTCK và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, sự nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh của TTCK Việt Nam, cải thiện tích cực thanh khoản của TTCK và chất lượng thị trường theo hướng tiếp cận tốt hơn với thông lệ quốc tế. Sự nâng hạng của TTCK là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia đến năm 2030.
(1).jpg)
Bà Arabella Bennett - Bí thư thứ 2 Ban Kinh tế, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh những điểm thuận lợi, tích cực khi nâng hạng TTCK, các chuyên gia tại Hội thảo cũng đã đưa ra những thách thức khi TTCK được nâng hạng, trong đó thách thức lớn nhất là đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng; dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường; hoạt động giao dịch tăng mạnh, có thể cao hơn nhiều lần so với bình thường, gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán của thành viên thị trường.
(1).jpg)
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình bày tham luận tại Hội thảo
Bên cạnh đó, Hội thảo đã phân tích những điều kiện và tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường lên mới nổi mà TTCK Việt Nam cần đạt được theo đánh giá của FTSE Russell. Để được nâng hạng, TTCK Việt Nam cần được tiếp tục cải thiện về các vấn đề như ký quỹ trước giao dịch, sở hữu nước ngoài, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký tài khoản giao dịch và vốn đầu tư gián tiếp. Hội thảo cũng chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm của một số TTCK khi nâng hạng TTCK, nhận diện các thách thức và rủi ro đối với Việt Nam khi nâng hạng TTCK lên mới nổi. Trong đó, chú trọng tới vấn đề quản lý, giám sát luồng vốn giữa TTCK, thị trường tiền tệ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
(1).jpg)
Ông Kentut Kusuma, Chuyên gia cấp cao lĩnh vực tài chính, Điều phối viên Chương trình lĩnh vực tài chính của WB tại Việt Nam
Hội thảo đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc nâng hạng của TTCK Việt Nam, trong đó tập trung vào giải quyết những vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, thủ tục đăng ký tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo ngành nghề, quyền tiếp cận thông tin bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng về công bố thông tin đặc biệt là cho các nhà đầu tư nước ngoài.
(1).jpg)
Toàn cảnh Hội thảo
Năm 2018, FTSE Russell đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai và đến kỳ đánh giá tháng 3/2024 tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng. Trong khi đó, trong kỳ đánh giá tháng 6/2023, MSCI hiện vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do các tiêu chí không có sự thay đổi so với kỳ đánh giá năm 2022. Hiện nay, TTCK Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng của tổ chức FTSE Russell. Hai tiêu chí còn lại là “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” và tiêu chí “Thanh toán - Tỉ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá. Nguyên nhân là do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại. Còn với MSCI , Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 8/17 tiêu chí. Một số tiêu chí chính cần cải thiện là: Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD; quy định thị trường và dòng thông tin bằng tiếng Anh; thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương cho rằng, các nội dung trao đổi, thảo luận của quý vị đại biểu về cơ hội, thách thức khi nâng hạng TTCK, giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam là những vấn đề mà hiện nay Bộ Tài chính đang rất quan tâm, có ý nghĩa vô cùng thiết thực và hữu ích cho Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội....
Hoàng Quỳnh