Chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng kinh tế 2024

Chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng kinh tế 2024 12/04/2024 16:46:00 295

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng kinh tế 2024

12/04/2024 16:46:00

(HQ Online) - Tại họp báo “Triển vọng kinh tế cho Việt Nam” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 11/4, các chuyên gia của ADB khẳng định vai trò của chính sách tài khoá đối với tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Chính sách tài khóa - giải pháp then chốt để kích thích tăng trưởng

Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Điều này đến từ sự phục hồi tăng trưởng tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và nông nghiệp ổn định sẽ giúp quá trình phục hồi từng bước khả thi.

Cùng với đó, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, hỗ trợ tài khóa được tiếp tục và chương trình đầu tư công đáng kể cũng sẽ kích thích tăng trưởng.

Lãi suất thấp hơn, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và khung pháp lý liên quan tới đất đai được cải thiện gần đây sẽ hỗ trợ ngành xây dựng. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm và lãi suất điều hành toàn cầu vẫn ở mức cao có thể cản trở tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Theo chuyên gia ADB, trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024.

Vị thế tài khóa thuận lợi với thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỉ lệ nợ công trên GDP thấp mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Chương trình giảm thuế GTGT hiện tại đã được gia hạn tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024.

Một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỉ USD, đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể. Đầu tư công được đẩy mạnh và điều kiện kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024.

Theo nhận định, nền kinh tế có khả năng tăng trưởng nhanh hơn một chút trong năm 2024 so với năm 2023, mặc dù rủi ro thiên về hướng tiêu cực. Nguyên nhân là do nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn.

Việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác cũng sẽ cản trở việc chuyển hướng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công cuối cùng sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng.

Chính sách tài khóa cần tiếp tục là điểm nhấn trong năm 2024

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, thực tế giai đoạn dịch Covid -19, chính sách tài khóa đã thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Đơn cử, năm 2023, chính sách tài khóa đã đóng góp quan trọng thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ cho người dân và DN. Đặc biệt, chính sách giảm 2% thuế GTGT đã có tác động trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng, qua đó giúp DN sản xuất, dịch vụ phục hồi nhanh hơn.

Do vậy, năm 2024, chính sách tài khóa cần tiếp tục là điểm nhấn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ thuế, phí thì đầu tư công giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa tạo ra tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn tốt hơn.

Theo chuyên gia ADB, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống, chủ động khắc phục những trở ngại một cách toàn diện...

Các chuyên gia ADB khuyến nghị, đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, song cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh.

Theo đó, các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Do đó, cần một cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện tính sẵn sàng của dự án có thể gia tăng đáng kể hiệu quả thực hiện.

Thứ hai, các dự án đôi khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả sau khi được phê duyệt và phân bổ ngân sách. Cần phải sửa đổi các quy định để cho phép sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc và điều chỉnh phù hợp với mục đích, như một phần của việc cải thiện các thủ tục trong chu trình dự án.

Hoài Anh

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%