Áp lực lạm phát từ biến động giá hàng hóa

Áp lực lạm phát từ biến động giá hàng hóa 11/04/2024 16:18:00 370

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Áp lực lạm phát từ biến động giá hàng hóa

11/04/2024 16:18:00

(HQ Online) - Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nhìn chung trong quý 1/2024, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra. Tuy nhiên, hiện tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu là áp lực hiện hữu lên công tác kiểm soát lạm phát.

Những biến động bất thường của thị trường vàng có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành lạm phát. Ảnh: HD

“Lộ” dần những áp lực

Theo Bộ Tài chính, giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định trong tháng 3/2024 do nguồn cung vẫn khá dồi dào trong khi nhu cầu không cao. Vì thế, thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2; bình quân quý 1/2024 tăng 3,77%, cùng kỳ năm 2023 là 4,18%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã không ít lần nhận định, tình hình thị trường trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều biến động có thể gây áp lực lên CPI cũng như công tác điều hành lạm phát.

Theo các chuyên gia, hiện áp lực lạm phát có thể gia tăng do tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giá nguyên vật liệu tăng… cộng hưởng với rủi ro biến động giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận chuyển đường biển, hàng không trên thị trường thế giới.

Trên thực tế, giá cả hàng hóa thế giới đang liên tục có diễn biến theo xu hướng tiến lên những đỉnh cao mới. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của quý 2/2024, 10/31 mặt hàng trên thị trường ghi nhận mức tăng từ 4%, nhiều mặt hàng quan trọng đã chạm các vùng đỉnh nhiều tháng. Chẳng hạn, tính đến đầu tháng 4/2024, cà phê Robusta đang tăng giá lên mức trên 3.660 USD/tấn, thiết lập đỉnh mới trong vòng 30 năm. Giá cà phê Arabica cũng tăng mạnh lên quanh mức 4.350 USD/tấn.

Cũng theo MXV, giá dầu cũng đang ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp trong những ngày đầu tháng 4, duy trì vùng đỉnh cao nhất hơn 5 tháng qua. Nguyên nhân do nguồn cung thu hẹp trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tăng cao, đẩy giá dầu WTI lên sát 87 USD/thùng, dầu Brent tăng lên trên 91 USD/thùng và đang hướng tới vùng đỉnh khoảng 95 USD/thùng.

Tại thị trường trong nước, theo Bộ Tài chính, dù giá tương đối ổn định nhưng vẫn có một số mặt hàng tăng giá nhẹ như thịt lợn hơi do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi hay giá khí hóa lỏng (LGP) theo biến động của thị trường thế giới. Tuy vậy, hiện giá lúa, gạo đang chững lại và có xu hướng đi ngang, giá thịt lợn hơi cũng duy trì chuỗi đi ngang…

Giá xăng dầu trong nước đã được liên Bộ Công Thương - Tài chính theo dõi chặt chẽ để điều hành phù hợp với tình hình thị trường với 12 kỳ điều hành, nên hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường có mức biến động không cao. Chẳng hạn, tính đến đầu tháng 4, giá xăng E5RON92 không cao hơn 23.916 đồng/lít (tăng 291 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), giá xăng RON95-III: không cao hơn 24.801 đồng/lít (giảm 15 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.988 đồng/lít (tăng 295 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành)…

Đáng chú ý giá vàng và tỷ giá ngoại tệ trong nước đang tăng nóng. Tính đến phiên giao dịch ngày 8/4, giá vàng nhẫn trong nước vẫn “tăng chóng mặt”, hiện đã leo lên mức đỉnh gần 74 triệu đồng/lượng chiều mua vào và hơn 75 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chỉ còn cách giá vàng SJC khoảng hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Giá USD tại các ngân hàng thương mại hiện cũng đang tăng, chẳng hạn giá USD tại Vietcombank đang niêm yết quanh mức 24.750-25.120 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 2,86% so với hồi đầu năm. Giá ngoại tệ được dự báo còn có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu tăng cao, cũng như áp lực từ dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh tín dụng tăng thấp…

Tạo mặt bằng giá ổn định

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ với các bộ, ngành trong công tác điều hành luôn được đưa ra là thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Do đó, trong tháng 4 này, Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý giá tiếp tục triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường, hàng tháng cập nhật kịch bản điều hành giá báo cáo lãnh đạo Bộ. Đặc biệt, đơn vị cần chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để báo cáo Bộ về phương án điều hành giá xăng dầu theo định kỳ; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành.

Với các mặt hàng thiết yếu khác do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục thì lộ trình điều chỉnh giá cũng đã được đặt ra, nên kỳ vọng sẽ giảm bớt ảnh hưởng đến công tác kiểm soát lạm phát. Đáng chú ý là vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thông báo điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa tái bản lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11; xây dựng giá bán sách giáo khoa các lớp 5, 9 và 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản trong năm học 2024-2025.

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây liên quan đến điều hành giá và thực hiện bình ổn giá thị trường, Bộ Tài chính nêu rõ, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động giá các mặt hàng trên qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường về giá hoặc khi mặt bằng biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện quản lý và điều hành giá theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra... góp phần tạo mặt bằng giá ổn định.

Hương Dịu

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%