Kho bạc Nhà nước huy động hơn 80.200 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong quý 1
(HQ Online) - Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong quý 1/2024, tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ là 80.229 tỷ đồng, đạt 20,1% kế hoạch năm được Bộ Tài chính giao.
Kỳ hạn trái phiếu chính phủ phát hành bình quân năm 2024 là 11,53 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,24%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,04 năm.
KBNN cho biết, đơn vị đã bám sát diễn biến thị trường, tình hình thu chi ngân sách nhà nước để phát hành trái phiếu chính phủ với khối lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của ngân sách trung ương trong phạm vi kế hoạch được giao.
Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, phát biểu tại cuộc họp giao ban công tác tháng 3 và quý 1 của Bộ Tài chính, Giám đốc KBNN Trần Quân đã đề xuất tiếp tục tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với nhu cầu ngân sách trung ương và tình hình thị trường trong phạm vụ nhiệm vụ, trên điều kiện thị trường thuận lợi để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, KBNN cũng sẽ điều hành lãi suất phát hành theo sát với tình hình thị trường, đa dạng kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu từ ngân sách trung ương, gắn chặt công tác huy động vốn với huy động ngân sách nhà nước.
Hương Dịu
Hợp nhất hai nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của luật phí và lệ phí
(HQ Online) - Nghị định hợp nhất quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí vừa được ban hành. Nghị định này được hợp nhất từ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí và Nghị định số 82/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 120, có hiệu lực từ 12/1/2024.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước. Ảnh: Internet
Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm người nộp phí, lệ phí (các tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật phí và lệ phí); tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh, và bằng các hình thức nộp trực tiếp tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định.
Định kỳ hàng ngày, tuần, tháng, tổ chức thu phí phải gửi số đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước.
Đồng tiền thu nộp phí, lệ phí là đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật quy định được thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Trường hợp quy định thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thì được thu hoặc thu bằng đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi theo tỷ giá.
Về nguyên tắc quản lý và sử dụng phí, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này, phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí bao gồm: cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước, số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí.
Hoài Anh
Tập trung triển khai xây dựng các nền tảng số trọng tâm ngành Tài chính
(TCTCO) - Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 793/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án đổi mới quy trình nghiệp vụ ngành Tài chính để thực hiện chuyển đổi số.
Xây dựng hạ tầng ngành Tài chính hướng tới mọi hoạt động được thực hiện trên môi trường ảo hóa.
Chương trình hành động được ban hành nhằm xây dựng kế hoạch triển khai việc chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ ngành Tài chính giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở rà soát, đánh giá, xác định cụ thể các quy trình nghiệp vụ trọng tâm cần chuyển đổi số của các đơn vị, làm căn cứ để các đơn vị triển khai chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ trong giai đoạn tới.
Tại Quyết định số 793/QĐ-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu việc thực hiện Đề án phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, việc thực hiện này phải đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới quy trình nghiệp vụ ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số; đảm bảo sự vận hành, liên thông trong các quy trình nghiệp vụ cung cấp dịch vụ công cho đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ tại từng đơn vị thuộc Bộ; đảm bảo khả năng điều chỉnh, bổ sung, đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ trọng tâm ngành Tài chính phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan...
Để thực hiện hiệu quả đề án, Bộ Tài chính đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp, như: Rà soát, đánh giá, xác định cụ thể các quy trình nghiệp vụ trọng tâm của ngành Tài chính cần thực hiện chuyển đổi số; Xác định cụ thể các điều kiện cần thiết để triển khai chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ; Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số; Hoàn thiện nhân lực số.
Đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, Bộ Tài chính yêu cầu, thời gian tới, toàn Ngành tập trung triển khai xây dựng các nền tảng số trọng tâm ngành Tài chính, đặc biệt là nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu với vai trò là huyết mạch kết nối, trao đổi dữ liệu Ngành, đảm bảo phù hợp theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.
Xây dựng hạ tầng ngành Tài chính hướng tới mọi hoạt động được thực hiện trên môi trường ảo hóa; trong đó, tập trung nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống điện toán đám mây; Tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính. Kết nối, tích hợp dữ liệu phục 3 vụ công tác phân tích, dự báo, đánh giá, và hoạch định chính sách về tài chính - ngân sách...
Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu, triển khai các ứng dụng, dịch vụ số đáp ứng yêu cầu quy trình nghiệp vụ đã được tái thiết kế, phù hợp với lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ nói chung và ngành Tài chính nói riêng; Triển khai các giải pháp, công nghệ đảm bảo an toàn an ninh mạng, đặc biệt tập trung vào hoạt động thuê dịch vụ giám sát an toàn bảo mật tại cơ quan Bộ Tài chính...
Bảo Thương