Đánh giá, dự báo sớm để chủ động đấu tranh chống buôn lậu

Đánh giá, dự báo sớm để chủ động đấu tranh chống buôn lậu 08/04/2024 16:10:00 411

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đánh giá, dự báo sớm để chủ động đấu tranh chống buôn lậu

08/04/2024 16:10:00

(TCTCO) - Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm trong 3 tháng qua. Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chú trọng đánh giá, dự báo tình hình để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này.

Ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 3.483 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Ảnh: internet

Vào cuộc đồng bộ

Để bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển xã hội, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm đến các đơn vị nghiệp vụ, chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Với sự vào cuộc đồng bộ cùng các giải pháp quyết liệt được triển khai, ngành Tài chính đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, chỉ riêng từ ngày 15/12/2023 đến 15/3/2024, ngành Tài chính đã triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật.

Trong đó, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 3.483 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.816 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 4 vụ án hình sự và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 30 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ chống buôn lậu và xử lý vi phạm pháp luật hải quan là 116,4 tỷ đồng.

Ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 14.593 doanh nghiệp và kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 185.352 hồ sơ khai thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 13.951 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 4.253 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 2.641 tỷ đồng...

Theo Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, các vụ việc vi phạm do các đơn vị nghiệp vụ thuộc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính phát hiện, đặc biệt các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vũ khí… do cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, an ninh trong nước.

Đánh giá, dự báo sớm tình hình

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ nay đến hết năm 2024. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, giúp việc lãnh đạo Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP… trong chỉ đạo điều hành, đánh giá dự báo tình hình, hướng dẫn, cảnh báo nghiệp vụ; kịp thời triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo các cấp.

Các đơn vị tiếp tục bám sát phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế và các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2024.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm như khu vực cửa khẩu: đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu tập kết hàng hóa gần biên giới, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh...

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Thông tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ... Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm, đặc biệt là trong đấu tranh các chuyên án về ma tuý...

Trần Huyền

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%