Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều quốc gia đang thúc đẩy chuyển đổi sang các hệ thống lương thực xanh và bền vững giúp mang lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn, sinh kế tốt hơn cho một cộng đồng dân cư bao trùm hơn, trong khi mức tác động đối với khí hậu và thiên nhiên thấp hơn. Cùng với đó, Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm. Do đó, các nước đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp số nhằm bảo đảm an ninh lương thực đi đôi với bảo vệ môi trường.
.jpg)
Kinh nghiệm của Thái Lan
Chính sách của Chính phủ Thái Lan đã tập trung vào tạo điều kiện cho từng vùng phát huy lợi thế đặc thù về khí hậu, điều kiện sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Một nội dung chính sách quan trọng được thực hiện là Chính sách phát triển các cụm ngành như cụm ngành trong ngành công nghiệp chế tạo, các cụm ngành điện, điện tử và đặc biệt là các cụm ngành chế biến nông sản với nhiều ưu đãi về thuế và phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nhân lực tại nông thôn. Cụm ngành chế biến nông sản được coi là đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của khu vực này. Có thể chia thành hai nhóm cụm ngành chế biến nông sản ở phía Đông Bắc Thái Lan bao gồm: (i) Cụm phía Bắc: Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang và Lamphun. Các nguyên liệu sẵn có là rau, trái cây và các sản phẩm thảo dược; (ii) Cụm phía Đông Bắc: Khon Kaen, Nakhon Ratchasima, Chaiyaphum và Buriram. Nguyên liệu thô sẵn có là gạo, gia súc, sắn, mía và ngô; (iii) Các cụm ở khu vực Đông Bắc hoạt động theo các ưu đãi đặc biệt của chính phủ Thái Lan, có các chức năng như: Cải tiến giống cây trồng và vật nuôi; Chiết xuất tự nhiên, sản phẩm từ chiết xuất tự nhiên; Chế biến từ nguyên liệu thô tự nhiên; Thực phẩm y tế hoặc thực phẩm chức năng; Phân loại, đóng gói và lưu trữ cây cối, rau, hoa quả bằng công nghệ cao; Trung tâm Thương mại Nông sản…
Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ được chính phủ Thái Lan lựa chọn để khai thác các lợi thế đặc thù về nông nghiệp nơi đây. Chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ được áp dụng chủ yếu đối với diện tích trồng lúa. Để thực hiện chính sách này, nông dân được hỗ trợ từ mua giống, kỹ thuật gieo trồng cho đến tiếp thị đầu ra để giảm hàm lượng thuốc từ sâu trên lúa. Ngân sách cho chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ là khoảng 2000 Bath/0,16 ha đất trong năm đầu tiên; 3000 Bath/0,16 ha đất trong năm thứ hai và 4000 Bath/0,16 ha trong năm thứ ba. Chính phủ quy hoạch trên toàn quốc 8 làng nông nghiệp hữu cơ, mỗi làng sẽ phát triển một loại nông sản xuất phát từ thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng của vùng. Tỉnh Surin vùng Đông Bắc Thái Lan được quy hoạch phát triển gạo thơm (hom mali) và gạo đen (berry) hữu cơ tại làng Thapthai; tỉnh Yasothon phát triển gạo thơm và gạo đen tại làng Sokhumpun. Đặc biệt, gạo Hom Mali được khuyến khích trồng hữu cơ tại 16/20 tỉnh ở vùng Đông Bắc Thái Lan, trong đó diện tích trồng gạo hữu cơ nhiều nhất thuộc tỉnh Surin (482.337 Rai), Yasothon (173.952 Rai), Roi Et (259.896 Rai), Ubon Ratchaithani (31.138 Rai), tỉnh Nakhon Ratchasima (20.389 Rai)…
Phát triển gạo hữu cơ ở vùng Đông Bắc Thái Lan còn đi đôi với việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Hom Mali” và giấy chứng nhận bảo hiểm liên quan đến sản xuất hữu cơ, được áp dụng phổ biến ở các tỉnh Surin, Ubon Ratchathani Yasathorn. Đây là các tỉnh có diện tích trồng gạo hữu cơ lớn nhất vùng và được các cơ sở công nghiệp chế biến trong vùng hỗ trợ trong việc đóng gói, hút chân không, bảo quản sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, chính phủ Thái Lan đã thực hiện chính sách “mỗi làng một sản phẩm” (one tambon one product - OTOP), nước này đã phát động phong trào OTOP từ năm 2001, theo đó chính phủ hỗ trợ về tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm phát triển các nghề thủ công truyền thống của Thái Lan, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới.
Thái Lan đã xác định tiếp cận và thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng toàn diện cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành nông nghiệp cho đến lâm nghiệp, tài nguyên - môi trường… Cách tiếp cận này không chỉ áp dụng cho ngành nông nghiệp mà cho tất cả các ngành khác như công nghiệp hay dịch vụ. Chính phủ Thái Lan đã hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan. Chính phủ Thái Lan cũng đang cố gắng tạo ra nhiều đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng nhiều hơn đến vai trò của những người làm nông nghiệp, khuyến khích họ tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc sử dụng Internet để đẩy mạnh thương mại điện tử (e-commerce)...
Ngoài ra, Thái Lan cũng xây dựng mạng lưới các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, những người làm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp… để trang bị thêm kiến thức, thông tin cho nông dân. Giống như Việt Nam, nông dân Thái Lan thường có học vấn tương đối thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, cập nhật các phương thức sản xuất, công nghệ mới. Thông qua mạng lưới liên kết này, người nông dân có thể bổ sung các phương thức canh tác, những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Có thể nói, công nghệ thông tin và kỹ thuật số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành nông nghiệp, các địa phương và khu vực nông thôn, giúp người nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế. Mô hình hợp tác xã do nông dân làm chủ và quản lý đã được Thái Lan thực hiện trong 50 năm qua. Với mô hình hợp tác xã, người nông dân cùng hợp tác để tiết kiệm chi phí như thuê chung máy kéo để sử dụng tại nhiều nông trại, thuê chung nhà kho để lưu trữ các nông sản…Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp cũng rất quan trọng. Các cơ quan xúc tiến đầu tư của Thái Lan thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ nông dân tiếp cận nguồn tài trợ nhằm đầu tư vào các sản phẩm, công nghệ nông nghiệp mới.
Kinh nghiệm của Israel
Israel là nước có nhiều thành công trong ứng dụng công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Israel là một nước có diện tích 21.000 km2 (lớn hơn một ít so với diện tích tỉnh Nghệ An 16.490 km2), nổi tiếng về khí hậu và địa hình phức tạp, cận nhiệt đới, khô cằn, có khu vực thấp hơn so với mực nước biển, lại có những vùng là đụn cát, gò đất phù sa… Để giải quyết về nhu cầu nông sản, Israel không ngừng nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ canh tác nhà kính là một điển hình. Israel xem công nghệ này là một giải pháp công nghệ chìa khóa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đây là loại hình ứng dụng các công nghệ cao, hiện đại để tạo lập ra một môi trường sinh thái thuận lợi nhất có thể cho cây trồng sinh trưởng phát triển, để thực hiện công nghệ thâm canh cao, để tối thiểu hóa thậm chí có thể loại trừ các yếu tố ngoại cảnh bất lợi cho sản xuất, để sản xuất ra loại nông sản mà thiên nhiên không ưu đãi (trái vụ), thậm chí không sản xuất được ngoài môi trường tự nhiên (như sản xuất nấm mỡ trên sa mạc), để tối ưu hóa năng suất chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, tối thiểu hóa các khoản chi phí sản xuất và đặc biệt là tiết kiệm nước.
.jpg)
Ngoài mục tiêu sản xuất ra nông sản thực phẩm “sạch” an toàn cho sử dụng, công nghệ canh tác nhà kính còn tạo một cuộc cách mạng về năng suất cho các loại cây trồng. Các loại hình công nghệ nhà kính ở Israel không ngừng được phát triển và nâng cao theo hướng đáp ứng chi tiết hơn, đa dạng hơn các nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp của nước này. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghệ nhà kính cho ngành trồng trọt, Israel còn phát triển một số loại hình nhà kính sử dụng cho ngành chăn nuôi, chủ yếu cho chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao trên sa mạc.
Để hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chính phủ Israel đã không ngừng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, hầu như toàn bộ các khâu từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ ở Israel đều được áp dụng công nghệ thông tin. Người nông dân có thể tự quản lý toàn bộ các khâu sản xuất vưới diện tích canh tác 5.000 - 6.000 hécta mà không còn phải làm việc ngoài đồng. Theo đó, chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có thể kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ biết họ biết vườn cây nào cần bón phân gì, số lượng là bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa. Căn cứ vào dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và hoạt động đêu được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.
Để hỗ trọ nông dân xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, chính phủ Israel chủ trương đẩy mạnh thông tin quảng cáo, tiếp thị trực tiếp sản phẩm sang các thị trường tiềm năng thông qua mạng internet. Đến nay khoảng 60% tổng sản lượng hoa sản xuất ra được bán trực tiếp từ nông dân cho các nhà đấu giá hoa Tây Âu; 20% còn lại xuất sang thị trường truyền thống như Đông Âu và Hoa Kỳ; và sang châu Á - chủ yếu là Nhật Bản.
Israel cũng nổi tiếng với công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Chính phủ đã thành lập viện nghiên cứu khoa học thực phầm và sản phẩm sau thu hoạch thuộc tổ chức nông nghiệp (ARO), nghiên cứu và cho ra đời nhiều công nghệ bảo quản giúp nông sản được tươi ngon trong thời gian dài và vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, còn có các công nghệ mới khác nhau như: Các phương pháp kéo dài tuổi thọ của táo Granny Smith; phát triển loại ngũ cốc giàu protein đặc biệt cho thức ăn gia súc giúp tang sản lượng sữa; công nghệ không sử dụng biến đổi gene (GMO) có thể giúp tang sản lượng các loại cây trồng như ngô lên tới 50%.
Israel còn nổi tiếng với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để định hướng trong sản xuất nông nghiệp. Hình thức tổ chức R&D hầu như gắn chặt trong sự phối hợp, liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nông dân và các nhà doanh nghiệp) với nguồn kinh phí chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, nguồn vốn đàu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Các chủ thể này phối hợp với nhau nhằm tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp mà họ đang gặp phải. Động lực dẫn tới việc ra đời các loại giống mới, đối với giống cây trồng hoặc vật nuôi, tới các cải tiến trong tưới tiêu, phân bón, thiết bị nông nghiệp, tự động hóa, hóa học, canh tác và thu hoạch là muốn đạt mức tối ưu trong sản xuất nông nghiệp. Coi trọng các thông tin hai chiều giữa các nhà khoa học và các nhà nông qua mạng lưới dịch vụ mở rộng nông nghiệp mà người nông dân tham gia vào toàn bộ tiến trình R&D. Các vấn đề trong nông nghiệp được chuyển trực tiếp tới các nhà nghiên cứu để kiếm tìm giải pháp. Từ đó, các kết quả nghiên cứu khoa học cũng nhanh chóng được chuyển tới đồng ruộng để thử nghiệm, thích nghi và điều chỉnh.
Minh Châu