Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý
Sáng ngày 20/12/2023, tại Hà Nội, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Vụ Tài chính - Ngân hàng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước; nhà khoa học, nhà nghiên cứu...
Ông Đỗ Văn Trường - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính cho biết, hoạt động chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là một trong những hoạt động luôn được quan tâm bởi các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và các cơ quan thực thi. Tầm quan trọng của các hoạt động này là không thể phủ nhận trong việc góp phần làm minh bạch, trong sạch hệ thống tài chính cũng như góp phần làm giảm các loại hình tội phạm trong xã hội như buôn lậu, buôn ma túy, tham nhũng… Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển thì hoạt động này ngày càng trở nên quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đứng trước thách thức này, việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động chống rửa tiền, tài trợ khủng bố phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt càng phải hiệu quả và chặt chẽ. Điều này đòi hỏi không chỉ ở khung khổ pháp luật cần được hoàn thiện, mà còn hoạt động tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức và các cơ quan thi hành phải được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Ngày 07/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố”; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án kèm theo Quyết định số 787/QĐ-BTC ngày 15/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Mục đích của Hội thảo là tạo diễn đàn khoa học về nghiên cứu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện để cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp quản lý phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến mục tiêu của tài chính toàn diện.
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu kết luận Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế chia sẻ về vấn đề thi hành nghiêm túc Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về cơ chế phòng chống rửa tiền (PCRT), tình hình ban hành nội bộ về PCRT, thực hiện kiểm toán nội bộ về PCRT, trách nhiệm báo cáo, cung cấp và lưu giữ thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền. Ông Thịnh cũng đưa ra một số khuyến nghị: Cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa biện pháp nội dung cách nhận diện các nghi vấn về hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí và các điều của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 để các nhóm đối tượng quản lý, các cá nhân tích cực phát hiện và phòng ngừa các loại tội phạm; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế trong bộ máy phòng chống rửa tiền để các hoạt động thu thập số liệu, xử lý báo cáo, chuyển giao thông tin được thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng các điều luật và các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF); sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCTR, cần tiếp tục cụ thể hóa, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tránh trùng lắp nhưng vẫn đảm bảo tính bao quát và cụ thể để có thể thực hiện đầy đủ 40 khuyến nghị của FATF; cần sửa đổi bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành tại từng đơn vị báo cáo đối với các hoạt động nghi vấn, áp dụng các biện pháp thích hợp để quản lý rủi ro rửa tiền, đặc biệt là các hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuất hiện; tiếp tục nghiên cứu rà soát, hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng các đơn vị báo cáo để PCRT hoạt động đạt kết quả cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng và áp dụng các chính sách phòng chống rửa tiền cùng với việc triển khai các sản phẩm tài chính toàn diện đã được chú trọng quan tâm tạo ra những tác động tích cực đối với cuộc sống của người dân và trong thực tiễn triển khai cho đến nay chưa có báo cáo về tình trạng gian lận hay dấu hiệu liên quan đến rửa tiền đối với các sản phẩm này, tuy nhiên để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, cần tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước về PCRT, đồng thời tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để đổi mới và hoàn thiện hỗ trợ cho việc đơn giản hoá các quy trình, thủ tục vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về PCRT cho các sản phẩm tài chính toàn diện.
Ông Nguyễn Huy Công - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, để thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực của mỗi người dân doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong đó nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực ngành nghề đã góp phần giảm thời gian, chi phí nhân lực, cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phát sinh rủi ro nhất định về rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về Hải quan, việc nhận diện nguy cơ rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện nói chung, chương trình nhờ thu thuế điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của ngành Hải quan…
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài Chính sau khi lắng nghe các báo cáo tham luận và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý. Qua đó, Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra, tạo diễn đàn khoa học về nghiên cứu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện để cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện. TS. Nguyễn Như Quỳnh cũng đúc rút một số nội dung quan trọng của Hội thảo như sau:
Thứ nhất, hội thảo đã phân tích rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố từ các dịch vụ tài chính thanh toán, ví điện tử, thẻ trả trước vô danh, tài khoán thanh toán, dịch vụ mobile-money, các sản phẩm tài chính vi mô như tín dụng, tiết kiệm vi mô trong bối cảnh thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, cách mạng công nghệ 4.0 và đánh giá các tác động của rủi ro này đối với kinh tế - xã hội, hệ thống tài chính của Việt Nam.
Thứ hai, pháp luật phòng chống rửa tiền đã được chú trọng, hoàn thiện trong giai đoạn vừa qua, thể hiện qua công tác xây dựng, ban hành các quy định, văn bản pháp luật về phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, trước những rủi ro từ các sản phẩm tài chính toàn diện ứng dụng công nghệ thông tin, cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để đổi mới và hoàn thiện, hỗ trợ đắc lực cho việc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ tài chính nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng chống rửa tiền cho các sản phẩm tài chính toàn diện.
Thứ ba, việc xây dựng và áp dụng các chính sách phòng chống rửa tiền đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện cũng đã được chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng rãi hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện, cải tiến các quy định và chính sách để bắt kịp sự phát triển nhanh của các dịch vụ tài chính toàn diện ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ tư, các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng đã đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp, bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống rửa tiền, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền… và các giải pháp khác để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng rãi hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Những vấn đề Hội thảo luận bàn rất cấp thiết và quan trọng, bổ sung thêm nhiều luận cứ, nghiên cứu, ý kiến tham mưu, phản biện chính sách đối với vấn đề phòng chống rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện tại Việt Nam, đã mở ra nhiều vấn đề, nhiều hướng nghiên cứu mới cho các giảng viên, các nhà nghiên cứu; nhà hoạch định chính sách.
Bích Ngọc