(HQ Online) Để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phục hồi.
Hội thảo quốc tế thường niên với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” lần thứ 6 (CIEMB 2023).
Trong 2 ngày 23 và 24/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” lần thứ 6 (CIEMB 2023).
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều đánh giá, Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu nhiều tác động từ biến động kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trước biến động lớn từ tình hình địa chính trị thế giới, cũng như tình hình lạm phát và những điều chỉnh từ chính sách, lãi suất và tỷ giá, các chuyên gia đặt nhiều lo ngại về những áp lực không nhỏ tới doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước.
Theo GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2023 là một năm rất khó khăn trong điều hành và tăng trưởng kinh tế. Dù kinh tế vẫn có mức tăng trưởng, nhưng hiện nhiều thành tố quan trọng của tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng hay cán cân thương mại vẫn chưa đạt được mức như mong muốn để có tốc độ tăng trưởng cao.
Vì thế, GS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục có động thái để duy trì và tăng cường tổng cầu, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Đồng thời, không chỉ tập trung vào tổng cầu mà còn phải có chính sách để tạo trọng cung. Trong đó, giải pháp căn cơ, lâu dài nhất là cải thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh tốt nhất cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phục hồi và phát triển.
Ngoài ra, ông Thành nhận định, kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt.
Cũng nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đánh giá, Việt Nam đang chịu tác động không nhỏ từ sự suy thoái của của nền kinh tế thế giới do là một quốc gia có độ mở lớn, nên sẽ chịu ảnh hưởng tác động đan xen cả cơ hội và thách thức. Tình hình thương mại hàng hóa, xuất khẩu sẽ phục hồi hơn trong năm 2024, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khó lường.
Trong báo cáo kinh tế mới đây, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đồng thời tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, từ đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tại hội thảo, ông Roman Matousek, Trường Kinh doanh và Quản lý, Đại học Queen Mary (Vương quốc Anh) cho biết, sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì các thị trường mới nổi như Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của các quốc gia trên thế giới, đáng lưu ý là sự thâm hụt tài chính, áp lực lạm phát và gia tăng lãi suất.
Từ góc độ thị trường tài chính, vị chuyên gia này đưa ra những khuyến nghị khi nhiều quốc gia liên tục tăng lãi suất, lạm phát vẫn neo cao từ đó có thể ảnh hưởng đến tình hình nợ công quốc gia và tình hình vay trả nợ của cộng đồng doanh nghiệp. Hơn nữa, các công ty gặp khó khăn về tài chính có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng với sự gia tăng về nợ xấu.
Ông Roman Matousek còn đặt lo ngại về tình trạng các doanh nghiệp “thây ma” - những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ do sự thiếu hụt lợi nhuận và định giá trên thị trường ở mức thấp, nhưng sống dựa vào các chính sách hỗ trợ, tín dụng giá rẻ.
Thực tế đây cũng là vấn đề được không ít chuyên gia trong nước khuyến nghị, bởi lượng doanh nghiệp này tồn tại sẽ khiến chính sách hỗ trợ không đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… mà không tạo động lực về đổi mới, sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển cộng đồng doanh nghiệp đúng hướng, đúng trọng tâm vào các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia. Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, GS.TS. Tô Trung Thành nhận định, chính sách tài khóa trong thời gian qua đã làm rất tốt với việc ban hành hàng loạt giải pháp về giảm, thuế, phí… cùng với đó là kết hợp với chính sách tiền tệ về giảm lãi suất, tỷ giá… Nên giải pháp thời gian tới là cần phát huy các động lực tăng trưởng; giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả nguồn vốn, tài chính, đất đai…
Hương Dịu