(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong việc khai thác thị trường các FTA. Một trong số đó là nguồn lực tài chính hạn chế..., rất cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Khơi thông nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA. Ảnh minh hoạ
Thiếu vốn đang là vấn đề phổ biến ở các doanh nghiệp
Tại Toạ đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA”, diễn ra ngày 22/11, bà Nguyễn Thị Lan Phương cho hay, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với nhiều hàng rào trong quá trình thực thi các FTA. Một trong số đó là nguồn lực tài chính hạn chế.
Cùng chung nhận định này, các chuyên gia kinh tế tại toạ đàm cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các chính sách tài khóa và triển khai nhiều ưu đãi, giúp đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn.
Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi đến Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2022 cho thấy, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Báo cáo nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng chỉ ra, một trong những hạn chế khi triển khai các FTA là nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sang năm 2023 khó khăn thực sự đến với doanh nghiệp nói chung doanh nghiệp thuỷ sản nói riêng do cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới giảm, trong khi đó doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hồi phục sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19. Doanh nghiệp rất cần có nguồn lực để sản xuất - kinh doanh nhưng nút thắt quan trọng nhất chính là tín dụng và lãi suất.
Trên thực tế, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2022 cho thấy, có đến 55,6% doanh nghiệp đánh giá khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%.
Tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng trở lại
Đề cập đến giải pháp tín dụng - tài chính cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam mong rằng, tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành ngân hàng để có thể cho doanh nghiệp vay đối với lãi suất với đồng Việt Nam là dưới 7% và lãi suất với USD là dưới 4%. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong năm 2024.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Lan Phương cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022. Trong đó, đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn. Đặc biệt, lưu ý hơn đến với những doanh nghiệp có nhu cầu nâng cao năng lực để phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội.
Đồng thời với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần phải có sự định vị lại để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh cần phải cơ cấu lại, tập trung vào những ngành hàng mà mình xác định là thế mạnh để có kế hoạch vay và sử dụng nguồn tín dụng, tài chính được hiệu quả...
Bà Phương Lan lưu ý, việc tiếp cận nguồn vốn là một yếu tố rất quan trọng, rất then chốt đối với doanh nghiệp muốn tận dụng các FTA. Do đó, để tối ưu nguồn lực, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải phân loại các nhu cầu về vốn của mình để có hướng tiếp cận các nguồn vốn phù hợp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý điều chỉnh quản trị tài chính, quản trị dòng tiền, quản trị về vấn đề sản xuất, lao động… để có thể đáp ứng điều kiện được các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.
Song Linh