Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 06/09/2023 16:30:00 347

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

06/09/2023 16:30:00

Sáng ngày 06/9/2023, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện các cơ quan hữu quan. TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đại diện Bộ Tài chính đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu tham luận tại Hội thảo

Khơi thông nguồn lực cho phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã thực hiện cải cách mạnh mẽ khung khổ pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) để khơi thông nguồn lực cho phát triển bền vững. Hệ thống các luật về thuế, phí và lệ phí liên tục được rà soát, hoàn thiện và thực hiện theo lộ trình đề ra, đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính sách động viên NSNN được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Về huy động nguồn lực tài chính từ NSNN, nguồn lực tài chính công ngày càng được tăng cường. Nếu xem xét trong cả giai đoạn 2016 - 2022, mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thu NSNN đã đạt kế hoạch đề ra. Tổng thu NSNN của giai đoạn 2016 - 2022 ước đạt 10,3 triệu tỷ đồng. Quy mô động viên vào NSNN bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 đạt 25,2% GDP, trong đó, thu từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Riêng trong các năm 2021 và 2022, quy mô động viên vào NSNN lần lượt là 18,8% GDP và 19,1% GDP, trong đó thuế và phí đạt 14,9% GDP và 15,4% GDP do tính theo GDP điều chỉnh.

Cơ cấu thu NSNN giai đoạn vừa qua cũng ngày càng bền vững hơn. Thu nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN: Tỷ trọng trong cả giai đoạn 2011 - 2020 là 76,7% và năm 2021 đạt khoảng 83%, năm 2022 đạt khoảng 80%. Thu ngân sách được cơ cấu lại theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất - nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế và nguồn thu từ dầu do sự biến động của giá dầu thế giới.

Chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng số thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2022 đạt khoảng 200,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 11% tổng thu NSNN năm. Năm 2023, dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất là khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tương đương 12% dự toán thu NSNN năm, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 79 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 8/2023 là khoảng 132 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 42,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 89,7 nghìn tỷ đồng). Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí đã góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Toàn cảnh Hội thảo

Chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần mức bội chi NSNN. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Cơ cấu chi NSNN có nhiều điểm tích cực, ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư: Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trung bình giai đoạn 2016 - 2022 đạt khoảng 27% tổng chi NSNN. Đây là nỗ lực lớn và kết quả quan trọng của công tác cơ cấu lại NSNN, đặc biệt là ngân sách trung ương còn khó khăn và các nhiệm vụ chi cải cách tiền lương và an sinh xã hội hàng năm vẫn tăng lớn.

Định hướng, khuyến nghị cho thời gian tới

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó cần “huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Như vậy, việc thực hiện các mục tiêu PTBV đã được lồng ghép cùng với các giải pháp về huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính từ NSNN. Với phương châm nguồn lực bên trong là cơ bản, kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy PTBV, một số giải pháp tài chính đặt ra là:

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nửa cuối năm 2023 như chính sách giảm thuế giảm thuế giá trị gia tăng 2%; thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ, nhờn; gia hạn, miễn giảm các loại thuế phí, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ. Đồng thời, thực hiện đánh giá các chính sách đã ban hành theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, bám sát tình hình thực tế, từ đó tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong khuôn khổ đảm bảo an toàn nợ công và Kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm 2021 - 2025.

Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu và quản lý thu NSNN; cụ thể, Bộ Tài chính sẽ thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các Luật thuế để tìm ra những điểm nghẽn, bất cập trong chính sách để đề xuất sửa đổi, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT-XH. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, các công nghệ ưu tiên phát triển, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện các quy định về đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII và các chính sách thu ngân sách đối với tài sản, tài nguyên; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong những tháng đầu năm, mặc dù giải ngân đầu tư công có nhiều cải thiện, tuy nhiên cho tới hết tháng 8, tiến độ giải ngân đầu tư công mới đạt 41% kế hoạch năm. Áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm là vẫn còn rất lớn. Do đó, các bộ ngành cần tiếp tục thực hiện biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đạt được mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển con người nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo nguồn lực tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và khả năng cân đối của NSNN.

Mở rộng, phát triển thị trường vốn, TPCP hiệu quả thông qua tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi; khung pháp lý lành mạnh làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường vốn nói chung và thị trường TPCP nói riêng. Đồng thời khơi thông nguồn lực, tiềm lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước gắn với việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Trung tâm TT&DVTC

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%