Nguyễn Bá Huy - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
(Theo tapchitaichinh.vn) Qua hơn 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển chung của Đất nước, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có bước trưởng thành, phát triển nhanh chóng, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở khái quát thực trạng năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, bài viết chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với DN trong giai đoạn chuyển đổi số và đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Chuyển đổi số đang được các DN của Việt Nam hướng tới như một chiến lược chính để cải tổ, tái định hình hoạt động để phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho DN Việt Nam. Nghiên cứu, nhận thức rõ khó khăn, thách thức trong giai đoạn chuyển đổi số, từ đó có kiến nghị phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số là hoạt động cần thiết hiện nay.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Theo số liệu điều tra của ngành Thống kê, tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã có gần 860.000 DN đang hoạt động, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Với tổng dân số gần 100 triệu người, ước tính bình quân cứ 116 người dân có 1 DN.
Từ cuối năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 với các mục tiêu: Đến năm 2025 gồm nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP; Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu DN, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 DN quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; Tối thiểu 5 - 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế; Kinh tế số chiếm 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị…
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình phát triển DN tư nhân gồm Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021 - 2030; Đề án thúc đẩy DN ứng dụng tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025… Những chương trình này đã có hiệu quả cao khi trong năm 2022 đã có 148.533 DN được thành lập mới, tăng 27,1% so với năm 2021, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021 (129.611 DN). Vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763.536 tỷ đồng (tăng 15,2% so với năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 1.590.860 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, DN, doanh nhân Việt Nam là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực DN thường xuyên đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước, tham gia ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.
Mặc dù phát triển nhanh chóng, đáng ghi nhận song năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, thể hiện ở các mặt sau:
Một là, khả năng tài chính thấp: Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,7% trong tổng số DN của cả nước, trong đó DN quy mô siêu nhỏ tăng 70,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015, DN quy mô nhỏ tăng 42,2%. Tuy có số lượng lớn nhưng các DN nhỏ chỉ thu hút được 4,6 triệu tỷ đồng, chiếm 12% (tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các DN); DN siêu nhỏ thu hút 4,4 triệu tỷ đồng (chiếm 11,4% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các DN). Năm 2022, vốn đăng ký bình quân trên một DN trong chỉ đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm 2021. Trong khi đó, các DN, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính chính thức; dẫn đến nhiều hạn chế về khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hai là, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam còn thấp. Sự tham gia của các DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, chỉ có 36% DN Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Các DN Việt Nam đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất. Các DN trong nước hầu như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu mà các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang sản xuất tại Việt Nam. Các DN Việt Nam thường không được đánh giá cao trong việc tuân thủ những quy định quốc tế. Trong khi những công ty đa quốc gia thường có những yêu cầu khắt khe theo chuẩn quốc tế khi đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Ba là, trình độ công nghệ lạc hậu: Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2016 tại 10 ngành, trong đó có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, có đến gần 60% DN đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Các công nghệ của các DN đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU) chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005. Khảo sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cuối năm 2021 cho thấy, các DN Việt Nam chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%)… Phần lớn các DN thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển.
Bốn là, năng suất lao động thấp: Năng suất lao động bình quân toàn bộ khu vực DN năm 2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 309,9 triệu đồng/lao động, tăng 93,1% so với năm 2011, trong đó: DN nhà nước đạt 735,6 triệu đồng/lao động, tăng 105,7%; DN ngoài nhà nước đạt 221,8 triệu đồng/lao động, tăng 129,3%; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 374,8 triệu đồng/lao động, tăng 85,6%. Tuy nhiên, tính theo PPP (sức mua tương đương), giai đoạn 2017 - 2020, năng suất lao động của DN Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines.
Năm là, yếu về thương hiệu: Ngoại trừ một số ít DN đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, hầu hết DN Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa khẳng định dược uy tín trên thị trương quốc tế. Khảo sát hơn 500 DN của Bộ Công Thương năm 2020 cho thấy, ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt do chỉ có 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu và chỉ chú trọng đăng ký tại Việt Nam, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài, thiếu quan tâm khai thác và quản lý thương hiệu. Công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được DN thực hiện đồng bộ, còn ít xuất hiện logo có giá trị cao. Uy tín và chất lượng sản phẩm là hai yếu tố thường được chú trọng đầu tiên khi nhắc đến thương hiệu (63,4%). Tuy nhiên, gần 50% DN không có bộ phận chuyên trách về tiếp thị hoặc thương hiệu; 49% DN do ban giám đốc trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Những người có vai trò quản lý thương hiệu hầu hết đều được đào tạo trong nước, trừ một số rất ít (dưới 5%) được đào tạo tại nước ngoài. Có đến 20% DN không đầu tư chi phí cho việc dựng thương hiệu. Trên 70% DN đầu tư dưới 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu...
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Sáu là, hạn chế về năng lực quản trị: So sánh với các quốc gia như Singapore, Phillipines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, trình độ quản trị của các DN lớn Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, chỉ bằng một nửa so với nước có điểm số quản trị DN cao nhất trong khu vực là Thái Lan. Điều này lý giải phần nào khả năng lớn mạnh và vươn tầm khu vực, thế giới của các DN lớn tại những nước này vẫn cao hơn hẳn so với các DN lớn của Việt Nam. Theo đánh giá, DN Việt Nam còn nhiều hạn chế trong các vấn đề về quản trị rủi ro; công bố, minh bạch thông tin; hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Chưa kể, các thông lệ quản trị DN tốt trong thời gian gần đây đã bổ sung thêm việc đánh giá chính sách bảo vệ môi trường trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đây là một tiêu chí còn rất mới mẻ đối với phần đông các DN Việt Nam.
Bảy là, nhận thức và tuân thủ pháp luật còn yếu. Biểu hiện cụ thể là: i) nhiều DN sử dụng các thủ đoạn không chính đáng, kể cả bất hợp pháp để đạt lợi nhuận; ii) sản xuất, nhập khẩu hoặc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng quốc cấm, hàng kém chất lượng, độc hại; iii) không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động như về tiền lương, bảo hiểm, an toàn lao động, chế độ hưu trí; iv) thiếu tôn trọng lợi ích người tiên dùng, khách hàng và đối các; v) trốn thuế, buôn lậu, gian lặn thương mại; vi) gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, không thực hiện các trách nhiệm xã hội.
Khó khăn, thách thức đặt ra cho DN Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022, chuyển đổi số trong DN là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN và tạo ra các giá trị mới”. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của DN, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong DN cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN. Chuyển đổi số trong DN không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị DN. Các DN cần nhận thức rõ chuyển đổi số là sự thay đổi của DN ở nhiều khía cạnh, có thể đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh.
Trong giai đoạn chuyển đổi số, bên cạnh những điều kiện thuận lợi các DN Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn.
- Thách thức về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ: Chi phí đầu tư là thách thức lớn của DN Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số. Theo khảo sát của Cục phát triển DN, hiện có 60,1% DN cho rằng thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn.
- Thách thức trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh: Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh trong khi yếu tố này được coi là lâu dài, khó khăn khi thực hiện thay đổi, phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu DN. Có 52,3% DN cho rằng thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh trong chuyển đổi số là thách thức lớn. Nhiều DN đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của DN không đạt được mục tiêu đề ra.
- Thiếu hụt nhân lực cho chuyển đổi số: 52,3% DN cho rằng khi bắt đầu mục tiêu chuyển đổi số, thì bắt gặp khó khăn về việc thiếu các cán bộ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để triển khai dự án chuyển đổi số. Thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số là điểm nghẽn đối với DN, khiến khả năng đạt thành công trong chuyển đổi số thấp hơn.
- Thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng công nghệ số được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi DN thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, hệ quả của chi phí đầu tư cao có thể dẫn đến việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết để DN thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả và toàn diện. Hiện có tới 45,4% DN được khảo sát phản ánh về thách thức này.
- Khó khăn trong tiếp cận thông tin về công nghệ số và tích hợp các giải pháp công nghệ số: Các giải pháp và công nghệ số rất đa dạng, phong phú và liên tục được cập nhật theo nhu cầu của thị trường. Việc không nắm được thông tin về các giải pháp và công nghệ hiện có và mức độ phù hợp với DN có thể khiến DN gặp khó khăn khi bước đầu áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Có tới 40,4% DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận đầy đủ thông tin về công nghệ số. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phần mềm quản lý, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách rời rạc và không có quy hoạch khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ thành một hệ thống xuyên suốt, gây khó khăn cho DN khi thực hiện chuyển đổi số. Có 38,5% DN gặp khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số.
- Thiếu cam kết, hiểu biết của Ban lãnh đạo, quản lý và người lao động khi thực hiện chuyển đổi số: Để chuyển đổi số một cách hiệu quả cần phải có sự cam kết của lãnh đạo từ cấp giám đốc điều hành cho đến cán bộ quản lý và tập thể người lao động. Điều này nhằm bảo đảm cho việc chuyển đổi số được đầu tư đúng mức và triển khai trọn vẹn. Việc người lao động không chấp nhận rủi ro, ngại thay đổi có thể khiến việc triển khai chuyển đổi số trở nên gian nan hơn. Hiện nay, còn 32,1% DN thiếu cam kết từ Ban lãnh đạo và cán bộ quản lý, 26,6% thiếu cam kết từ người lao động.
- Sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN: Chuyển đổi số không còn là khái niệm mới, tuy nhiên e ngại về vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng các giải pháp công nghệ… khiến các DN chưa dám bước ra khỏi giới hạn an toàn để thay đổi. 23,4% DN lo lắng về rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN khi thực hiện chuyển đổi số.
Trên đây là những thách thức chung của các DN Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, xét theo quy mô DN, thách thức có sự khác biệt giữa các DN quy mô siêu nhỏ, DN quy mô nhỏ với DN quy mô vừa và DN quy mô lớn. Các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Trong khi các DN quy mô vừa và lớn có tiềm lực tài chính tốt hơn thì gặp rào cản nhiều nhất về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. Điều này một phần do các DN quy mô vừa và lớn có bộ máy, quy trình phức tạp hơn các DN nhỏ và siêu nhỏ, vì thế sẽ khó khăn hơn khi thích ứng với thay đổi.
Đề xuất một số giải pháp
Chuyển đổi số hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển toàn diện là xu thế tất yếu của DN Việt Nam hiện nay. Thông qua việc ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu vào hoạt động sản xuất kinh doanh và báo cáo quản trị, lãnh đạo DN sẽ nắm bắt được các số liệu sản xuất, kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác nhất nhờ các hệ thống báo cáo tự động tổng hợp kết quả theo thời gian thực thay vì phải đợi hàng tuần, hàng tháng. Việc đưa ra quyết định dựa vào các chỉ số kinh doanh, phân tích tình huống để xác định các điểm rủi ro… có trên hệ thống có thể cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của DN trên thị trường. Do đó, cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan chức năng, cộng đồng DN Việt Nam cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao trong triển khai chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Theo đó, cần chú trọng xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho DN. Hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho DN. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyển đổi số cho DN. Thúc đẩy phát triển các nền tảng số, phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của DN.
Thứ hai, có giải pháp hỗ trợ tài chính cho DN trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, các DN của Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp DN ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án chuyển đổi số và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Thứ ba, tạo bước đột phá về nhận thức chuyển đổi số trong DN. “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số...; là hoạt động có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN bước đầu có nhận thức đúng về việc chuyển đổi số, tuy nhiên chưa có chiều sâu. Chiều sâu của nhận thức chuyển đổi số phải được thể hiện qua sự đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN một cách chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng; từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp. Đồng thời, cùng với chuyển đổi số, cần nhận thức đầy đủ những thay đổi căn bản về văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của DN để có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp…
Thứ tư, các DN cần chủ động xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Báo cáo về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN năm 2022 cho thấy, hầu hết các DN hoạt động trong các ngành sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực, các DN thể hiện sự sẵn sàng ở mức độ khác nhau. Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tương đối tốt; với 75% số doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ có đang sử dụng các phần mềm trong các nghiệp vụ tài chính, kế toán, quản trị nhân sự, quản lý đơn hàng… Doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến và chế tạo, vận tải và logistics… bị ảnh hưởng tương đối mạnh mẽ do đại dịch COVID-19 dẫn đến có tốc độ chuyển đổi số cũng như mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số còn khá khiêm tốn. Do đó, DN cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng DN và từng ngành nghề. Lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh của DN làm tiêu chí để đánh giá kết quả của chuyển đổi số.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các DN. Hoạt động này nhằm đạt mục tiêu kép, vừa bảo đảm nhân lực nội bộ cho việc chuyển đổi số, vừa tạo lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần chú trọng gắn kết chặt chẽ các khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng phát triển nguồn nhân lực của quốc gia và thế giới, phù hợp nhu cầu yêu cầu của hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của DN, từ đó nâng cao năng suất lao động cho DN; đào tạo thông qua các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2021), Nghị quyết số 31/2021/QH15, ngày 12/11/2021, về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025;
- Bộ Khoa học và công nghệ (2018), Diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, ngày 30/8/2018;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục phát triển DN (2022) Báo cáo thường niên Chuyền đổi số DN 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số, ngày 06/01/2022;
- Bộ Kế hoạch và đầu tư (2022), Sách trắng DN Việt Nam 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục phát triển DN (2023) Báo cáo thường niên Chuyền đổi số DN 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN Việt Nam, ngày 16/02/2023;
- Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, (Kèm theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
- Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26/12/2022;
- Tổng cục Thống kê, Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp, tháng 02/2023;
- Tổng cục Thống kê, Báo cáo Kinh tế-xã hội quý IV và năm 2022, ngày 29/12/2022;
- Nguyễn Thị Hồng Lan (2023), Xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 07/01/2023;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Kỷ yếu tọa đàm "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, ngày 27/9/2022;
- Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2021), Kỷ yếu hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với DN Việt Nam”, ngày 15/12/2021.
- Cao Minh Toàn, Nguyễn Minh Châu (2018), Đạo đức kinh doanh của DN: lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Tạp chí Công thương, số 8, tháng 5/2018, tr.194-200.