(TTXVN) Nền kinh tế Đức được dự báo tăng trưởng ở mức 0,9% trong năm tới, thấp hơn mức 1,2% trong dự báo hồi tháng 6/2023 của tổ chức này và chỉ ngang bằng với tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế Nga.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trước những khó khăn kéo dài của nền kinh tế Đức, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm tới.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OCED, nền kinh tế đầu tàu châu Âu được dự báo tăng trưởng ở mức 0,9% trong năm tới, thấp hơn mức 1,2% trong dự báo hồi tháng 6/2023 của tổ chức này và chỉ ngang bằng với tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế Nga. Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OECD cho rằng tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ ở mức 1,1%, trong khi tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ là 1,3% và kinh tế toàn cầu là 2,7%.
Dự báo của OECD về kinh tế Đức còn bi quan hơn so với dự báo gần đây nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức (tăng trưởng 1,4%) và dự báo của Ủy ban châu Âu (1,1%).
Theo nhà kinh tế trưởng của OECD, Clare Lombardelli, giống như nhiều nền kinh tế khác, kinh tế Đức cũng có những vấn đề về cơ cấu. Việc chuyển đổi sang nền sản xuất thân thiện với khí hậu nhiều hơn nghĩa là các mô hình kinh doanh sẽ phải được điều chỉnh lại. Tái cơ cấu là điều cần thiết và những lo ngại cũng dễ hiểu. Nhưng nước Đức cũng có những thế mạnh, như lực lượng lao động có tay nghề cao, vốn đầu tư lớn. Do đó, Đức có nhiều cơ hội trở thành một trong những “người chiến thắng”.
Bất chấp sự điều chỉnh dự báo, theo nhà kinh tế trưởng của OECD, các dấu hiệu cho thấy kinh tế Đức sẽ phục hồi vào năm 2024, trong khi năm 2023 mức suy giảm chỉ là 0,2%, khả quan hơn nhiều dự báo khác. Tuy nhiên, bà Lombardelli cũng cho rằng cần có các chính sách phù hợp trong dài hạn. Các khoản trợ cấp cụ thể cho ngành công nghiệp như giảm giá điện (đang được thảo luận ở Đức) sẽ không có tác dụng lâu dài.
Chuyên gia Lombardelli cũng kêu gọi các nỗ lực chính trị để giảm nợ quốc gia cao và thực hiện chính sách xã hội. Theo bà, nhân khẩu học là “một thách thức thực sự lớn, quan trọng và đang đè nặng lên tất cả các nền kinh tế, bao gồm cả Đức”.
Một trong những câu trả lời cho vấn đề này là tăng tuổi lao động. Sẽ là không bền vững nếu giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu, điều khiến ngày càng có nhiều người trên độ tuổi lao động phụ thuộc vào nhóm trong độ tuổi lao động. Những cải cách như vậy cũng sẽ gửi tín hiệu tốt tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Vũ Tùng