Giải cứu bất động sản “treo” - giải pháp thúc đẩy nguồn cung

Giải cứu bất động sản “treo” - giải pháp thúc đẩy nguồn cung 21/09/2023 11:09:00 369

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Giải cứu bất động sản “treo” - giải pháp thúc đẩy nguồn cung

21/09/2023 11:09:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn thiếu hụt trầm trọng nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung từ các sản phẩm giá bình dân, phù hợp với thu nhập của phần đông người dân. Để làm rõ thông tin này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã thực hiện khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản. Kết quả có 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch; tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; về vốn, thị trường trái phiếu…, do đó nguồn cung bị sụt giảm mạnh.

VARS cho rằng, việc giải quyết các vấn đề cho các dự án “treo” này, chắc chắn là một giải phảp góp phần tích cực vào cải thiện nguồn cung. Ảnh minh họa: TN

Doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

Để làm rõ về vấn đề thiếu hụt nguồn cung của thị trường bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, có 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch; tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22% doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn.

Các doanh nghiệp được khảo sát cũng chỉ ra, hoạt động đầu tư, phát triển dự án không được triển khai đúng định hướng, đúng thực chất nhu cầu của thị trường dẫn đến hai thái cực. Nguồn cung các sản phẩm là nhu cầu thiết yếu của xã hội (nhà ở giá thương mại giá phù hợp, nhà ở xã hội,...) khan hiếm khiến giá bị đẩy lên cao so với giá trị thực và khả năng chi trả của người dân.

Ngược lại các sản phẩm đầu tư, đầu cơ lại đang dư thừa nhưng những sản phẩm này lại không phải là sản phẩm mà nhà đầu tư lựa chọn để ẩn nấp dòng tiền. Sản phẩm “cần không có, có không cần” dẫn đến tồn kho hàng hoá và ảnh hưởng nghiêm trọng tới bài toán tài chính của doanh nghiệp.

Khảo sát về thông tin cũng chỉ ra, quy định hướng dẫn hành lang pháp lý đối với thị trường bất động sản chậm trễ, chồng chéo, không nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản cũng là trở ngại lớn.

Ví dụ, thay đổi quy định về thời hạn sở hữu cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chưa rõ ràng làm cho thị trường cũng chậm lại khá nhiều... Quy định về tiêu chuẩn người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, quy định đủ điều kiện vay vốn của nhà đầu tư, quy định doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ...

Còn khảo sát về giao dịch cho thấy, tâm lý các nhà đầu tư bất động sản còn đang chưa muốn đầu tư ngay trong thời điểm này, đa phần đầu tư chưa ra được hàng cũ dẫn đến không quay vòng được vốn. Những khách hàng mua ở trực tiếp cận khá tốt nhưng đa phần là phân khúc nhà vừa túi tiền. Những khách hàng tầm trung vẫn đứng ngoài cuộc, chưa sẵn sàng đầu tư ngay. Cộng thêm các thông tin tích cực chưa lan tỏa, tâm lý khách hàng còn e dè nên giao dịch khá chậm.

Về vốn trái phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng…, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản; khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay vẫn cao so với khả năng hấp thụ của các đối tượng, do hiện tại khả năng này của các đối tượng đã bị giảm sút nhiều; áp lực đáo nợ trái phiếu.

Hàng ngàn dự án “treo” chưa thể đưa nguồn cung ra thị trường

Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, dữ liệu từ khảo sát các hội viên của VARS là sàn giao dịch bất động sản cho thấy, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng không nhiều.

VARS cho rằng, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023. Nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, các môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro không nhận được hoa hồng đúng hẹn.

Đưa ra lưu ý cho thị trường bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn thiếu hụt trầm trọng nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung từ các sản phẩm giá bình dân, phù hợp với thu nhập của phần đông người dân. Trong khi đó, có hàng ngàn dự án vẫn đang bị “treo” chưa thể hoàn thiện để đưa nguồn cung ra thị trường.

Để thúc đẩy nguồn cung, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc giải quyết các vấn đề cho các dự án “treo” này, chắc chắn là một giải pháp góp phần tích cực vào cải thiện nguồn cung.

Do đó, nên xem xét, phân loại, dự án nào cần “truyền máu” là “tiền” thì tiến hành hỗ trợ kết nối nguồn phù hợp để thực hiện quá trình “bơm, truyền” sao cho vừa có thể “cấp cứu” nhưng vẫn đảm bảo “an toàn”. Dự án nào bị “treo” vì vướng mắc pháp lý thì hỗ trợ pháp lý, giải quyết một cách cụ thể, dứt điểm. Dự án nào “treo” lâu quá, không thể cứu được thì hỗ trợ để các doanh nghiệp khỏe mạnh mua lại dự án bất động sản của các doanh nghiệp yếu và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án.

Văn Tuấn

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%